Nợ xấu có xấu?

Dù có thêm diễn biến bất ngờ bởi việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, nhưng trọng tâm buổi chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chiều 21-8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tập trung chủ đề hệ trọng của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay: giải quyết nợ xấu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn thừa nhận con số nợ xấu của Việt Nam hiện rất đáng báo động. Tuy nhiên ông cũng trấn an rằng tỷ lệ nợ xấu chưa đến mức độ “quá hốt hoảng, không phải bi kịch”, bởi hiện nay các tổ chức tín dụng (TCTD) đang thực hiện đầy đủ quy định về trích lập dự phòng rủi ro, quy định về thế chấp, xử lý tài sản.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng tự tin cam kết sẽ đưa mức nợ xấu giảm xuống dưới ngưỡng 3% (bảo đảm tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế) trong nhiệm kỳ Thống đốc của mình.

Trước phiên chất vấn, NHNN đã công bố số liệu chính thức về nợ xấu, cũng như các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhưng dường như những lo ngại về vấn đề này vẫn không giảm.

Theo NHNN, đến ngày 31-5-2012, nợ xấu của các TCTD hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, đến ngày 31-3-2012 nợ xấu của các TCTD hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định con số 8,6% là đáng tin cậy và có căn cứ khoa học nhất.

Vậy con số nợ xấu 8,6% có đáng lo ngại? Bản chất của nợ xấu ngân hàng là do khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay không hiệu quả, phát sinh sau một chu kỳ vay vốn, thậm chí sau một thời gian dài. Khái niệm “nợ xấu” xuất hiện ở Việt Nam có vẻ đã hàm oan cho những khoản nợ này.

Bởi lẽ đây không phải là những khoản nợ mất trắng, mà hiểu theo thuật ngữ quốc tế thường dùng đó là những khoản nợ không sinh lời. Nghĩa là nợ xấu vẫn có thể xử lý được nếu có những giải pháp phù hợp. Con số nợ xấu 8,6% được NHNN tổng hợp tại thời điểm 31-3 và từ đó đến nay cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm, hoặc chí ít cũng không làm nó tăng lên.

Chẳng hạn, tháng 4 NHNN đã có Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó, các TCTD cơ cấu lại nợ cho khách hàng, nhưng được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Việc mở cơ chế cho cơ cấu lại nợ đã giúp doanh nghiệp giảm tải áp lực trả nợ, vừa giảm áp lực gia tăng nợ xấu cho TCTD.

Có thể không phải quá lo lắng về con số nợ xấu 8,6%, bởi dù là tỷ lệ khá cao, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu một số nước trong khu vực tại thời điểm Chính phủ phải đứng ra xử lý nợ xấu. Cụ thể: Hàn Quốc 17% (tháng 3-1998), Thái Lan 47,7% (tháng 5-1999), Malaysia 11,4% (tháng 9-1998), Indonesia trên 50% (năm 1999).

Hơn nữa, hiện nay còn có nhiều yếu tố góp phần làm giảm thiểu tổn thất mà nợ xấu đem lại. Theo số liệu của NHNN, tính đến nay các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) được 70.000 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, nhờ đó TCTD có thể thu hồi được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ xấu từ việc bán hoặc xử lý tài sản bảo đảm.

Tính đến cuối tháng 3-2012, trong tổng nợ xấu của các TCTD có 84,16% được bảo đảm bằng tài sản và 15,84% không được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 134,8% tổng nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu là một chỉ tiêu phản ánh chất lượng và an toàn hoạt động tín dụng. Điều quan trọng nhất là nợ xấu phải được phân loại, ghi nhận và trích lập DPRR đầy đủ theo mức độ rủi ro, đồng thời có biện pháp bảo đảm tiền vay (tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh…).

Không nên tuyệt đối hóa tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp, hoặc chỉ dựa vào mức DPRR đã trích lập trong quá trình đánh giá chất lượng tín dụng và xác định khả năng tổn thất tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng không được trích lập DPRR đầy đủ và thiếu tài sản bảo đảm nguy hiểm hơn tỷ lệ nợ xấu cao nhưng được trích lập DPRR và có tài sản bảo đảm đầy đủ.

Do vậy, cũng không nên đổ tiếng xấu cho nợ xấu, bởi những tác động tâm lý có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của hệ thống ngân hàng, vốn là mạch máu của nền kinh tế.

Điều được kỳ vọng là với quyết tâm chính trị của mình, Thống đốc NHNN sẽ có những giải pháp phù hợp và hiệu quả để đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng về ngưỡng an toàn.

Mục tiêu này có thực hiện được hay không, còn phụ thuộc vào kết quả cơ cấu lại hệ thống ngân hàng mà Chính phủ đang thực hiện.

Các tin khác