Đến ngày 4-6, thêm một cây phượng lại bật gốc trong khuôn viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai làm 3 học sinh bị trầy xước nhẹ.
Đó là hai sự cố đáng tiếc nhưng không khó để nhìn ra nguyên nhân. Thế nhưng, thay vì nâng cao trách nhiệm cộng đồng đối với hành động chăm sóc cây xanh, thì hàng loạt cây phượng đã bị đốn hạ không thương tiếc. Nghịch lý ấy phải lý giải ra sao?
Trước hết, hãy xác định cây xanh mang lại bóng mát cho con người và tạo ra vẻ đẹp cảnh quan cho môi trường. Cây xanh càng lâu năm, càng có giá trị. Nhà trường chỉ có khả năng quản lý cây lâu năm, còn muốn chăm sóc và bảo tồn cây lâu năm cần có chuyên môn của cơ quan riêng biệt, mà cụ thể ở đây là Công ty Công viên Cây xanh (CVCX).
Sau khi cây phượng thứ nhất bật gốc vào sáng 26-5, ngay hôm sau CVCX TPHCM đã tiến hành chặt luôn cây phượng còn lại trên sân trường THCS Bạch Đằng. Giám đốc CVCX TPHCM ông Lê Công Phương cho rằng: “Việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh là rất khó. Vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh, nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân, như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng, thời tiết biến đổi khí hậu, ngập úng do triều cường, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh…”.
Đồng thời, CVCX TPHCM cũng khuyến cáo các đơn vị, cơ quan có trồng cây xanh nên liên hệ các tổ chức chuyên môn để tư vấn chọn chủng loại cây phù hợp; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.
Có phải CVCX TPHCM đã thành thạo “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đối với cây xanh không? Trước đây, CVCX TPHCM từng mua sắm máy siêu âm cây xanh nhằm đo vận tốc sóng âm của từng cây xanh, để biết thực trạng cây xanh có phát triển bình thường. Buồn cười thay, đơn vị này chỉ có 2 người biết sử dụng máy siêu âm cây xanh. Khi một người qua đời và một người nghỉ hưu, thì máy siêu âm cây xanh cũng đem cất luôn vào kho như một sự lãng phí.
Thật khách quan và thật chân thành để minh định, cây phượng đã bật gốc ở TPHCM và Đồng Nai là do thiếu sự quan tâm chăm sóc hợp lý của con người. Bởi lẽ, nước ta từ lâu đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về cây xanh, như Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8270:2009 về “Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị”; hoặc Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về “Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị”.
Trong các tiêu chuẩn quốc gia ấy, tính chất cây xanh khuôn viên học đường là cây cao to, tán rộng, cho bóng râm tốt, gây ấn tượng mạnh. Như vậy, cây phượng đích thực là loại cây xanh được khuyến khích trồng trong sân trường.
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, cho biết cây phượng có nguồn gốc từ Madagascar, tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng ở miền Tây Malagasy. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải (khoảng 10-15 m, đôi khi có thể tới 20 m), nhưng tán lá tỏa rộng và dày đặc tạo ra bóng mát.
Cây phượng tái sinh hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình như ven biển, đồi núi, trung du và đồng bằng. Cây trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng, sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công. Cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ cao hơn, nhưng cũng chỉ đạt 40-50 năm tuổi.
Sau vụ cây phượng đột ngột bật gốc tại Trường THSC Bạch Đằng – TPHCM, thì hàng loạt cây phượng khác lập tức bị đốn hạ không thương tiếc. Không có chỉ thị từ các cấp quản lý giáo dục, cũng như không có ý kiến từ cơ quan chuyên môn, nhưng việc chặt bỏ cây phượng trở thành một phong trào không chỉ riêng ở đô thị lớn nhất phương Nam. Thậm chí, ở Gia Lai còn có câu chuyện đáng buồn cười hơn là trường học phong tỏa khu vực xung quanh cây phượng, như một mối họa buộc phải tránh xa và quyết phải loại trừ.
Dù không cần lãng mạn đến mức nâng giá trị cây phượng lên mức biểu tượng kỷ niệm tuổi học trò, nhưng cũng cần nghiêm túc đặt câu hỏi: Cây phượng có tội tình gì không? Cây phượng từng được ca ngợi trong thi ca và âm nhạc về khả năng trang điểm cho cuộc sống “dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, anh nắm tay em bước dọc con đường vắng” hoặc “những chiếc giỏ hoa chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”, thì tại sao bây giờ lại tồn tại chẳng khác gì hung thủ gây ác?
Cây phượng có ưu điểm ưa ánh sáng, phát triển nhanh, không kén đất. Ngược lại, cây phượng cũng có nhược điểm tuổi thọ thấp. Những đặc tính sinh học ấy hầu như không được các cơ sở giáo dục chú ý, dù mỗi năm các cuộc thi học sinh giỏi bộ môn Sinh học vẫn được tổ chức rất hào hứng.
Ngành giáo dục lâu nay vẫn duy trì bộ môn sinh học theo cách giảng dạy lý thuyết khô cứng, mà chưa hề cho giáo viên và học sinh được thực nghiệm ngay trên những cây xanh trong khuôn viên trường. Thử hỏi, nếu nhà trường thường xuyên kết hợp với ngành chức năng để thầy trò được tìm hiểu về chủng loại, đặc tính cũng như biện pháp tôn tạo từng cây xanh bên khung cửa lớp, thì có xảy ra tình trạng đáng tiếc như vừa qua không? Chắc chắn không!
Ngoài ra, hầu hết các sân trường đều đổ bê tông đến gần sát gốc cây phượng, khiến toàn bộ phần rễ nằm dưới lớp xi măng dày 15-20 cm bị yếm khí, không thể hấp thu dinh dưỡng nên suy kiệt dần. Nếu cây phượng thường xuyên được theo dõi để có biện pháp chằng chống, cắt tỉa cành tán và khống chế chiều cao, thì không thể nào có sự cố bật gốc ê chề. Thế nhưng, thay vì phối hợp với các chuyên gia cây xanh để bảo quản cây phượng, thì nhiều trường học đã thi nhau xóa sổ cây phượng trong sân trường. E ngại tốn kém kinh phí chăng? Đó chỉ là một nguyên nhân thứ yếu, còn nguyên nhân cốt lõi là lo sợ phải gánh chịu rắc rối khi xảy ra sự cố ngoài tiên liệu.
Sân trường không còn cây phượng, học sinh không còn bóng mát những ngày đến lớp và cũng không còn ký ức đẹp đẽ khi bước chân vào đời. Đồng loạt khai tử cây phượng trong sân trường, phải chăng những nhà giáo hôm nay muốn dạy dỗ học sinh về thói khôn ranh trốn tránh trách nhiệm và đối xử lạnh lùng với môi trường thiên nhiên?
Cây đổ trong trường càng khiến chúng ta nghĩ đến nắng chói ngoài đường. Đừng phân bua và đừng lấp liếm, sự thật là chúng ta đã và đang thờ ơ với cây xanh. Hiện nay mật độ cây xanh tính trên đầu người ở TPHCM chỉ 2,8 m2, thấp hơn nhiều so với 4m2 ở Hà Nội, và càng không thể so với những đô thị văn minh trên thế giới. Khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, một trong những công sở đầu tiên mà họ thành lập là Sở Ươm cây Nam bộ.
Ngoài ra, TPHCM còn được thừa hưởng di sản rừng nhiệt đới lá rụng đặc trưng Nam bộ trong quá trình hình thành địa bàn Gia Định, mà minh chứng cụ thể nhất là những hàng cổ thụ còn xót lại khu vực Thảo Cầm Viên và mấy gốc đa hơn 300 tuổi trong Công viên Bách Tùng Diệp. Thế nhưng, bẽ bàng thay, để phục vụ cho việc xây dựng các khu phức hợp cao cấp suốt một thập niên gần đây, nhiều cổ thụ đã bị đốn hạ không thương tiếc.
Không ít người TPHCM vẫn còn nhớ hình ảnh ông Ba Đấu - một nhân viên lâu năm của CVCX đã ôm lấy gốc giáng hương 250 tuổi trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm- quận 1 mà khóc thảm thiết, khi “cấp trên” quyết định chặt bỏ nó để lấy đất sạch xây dựng công trình. Những giọt nước mắt trân trọng cây xanh ấy, không thể làm dịu bớt sự tham lam của những nhà đầu tư ích kỷ, nhưng lẽ nào cũng không thể lay động ý thức bảo vệ cây xanh của những người có quyền phê duyệt dự án?
Ứng xử với cây xanh cũng là thước đo văn hóa của con người hiện đại. Cây đổ bất ngờ trong trường vì sự vô tâm của chúng ta, mà cây đổ có chủ đích ngoài đường cũng vì sự vô tâm của chúng ta.