Nỗi lo an toàn thực phẩm

(ĐTTCO) -Đến hẹn lại lên, để có nguồn thực phẩm an toàn cho người dân những tháng cuối năm kéo dài đến Tết Nguyên đán, nhiều sở, ngành của TP đang cùng vào cuộc với nhiều chương trình. Nhưng nỗi lo về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm vẫn đang hiển hiện. 
 
Nỗ lực tối đa
Để cung ứng nguồn hàng sạch cho người tiêu dùng TPHCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP (ATTP) đã phối hợp với các tỉnh Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận trong việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đảm bảo ATTP. Mục tiêu của đề án này nhằm cung ứng các chuỗi nông sản an toàn giữa các tỉnh và TPHCM giai đoạn 2017-2019.
Theo đó sẽ kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy suất được nguồn gốc xuất xứ. 
“Hiện ban quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn đã tổ chức thẩm định và cấp được 144 giấy chứng nhận tham gia chuỗi cho 69 cơ sở, với tổng sản lượng hơn 83.000 tấn/năm. Thông tin của các cơ sở này được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Ban” - bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP, cho biết. 
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cũng chủ trì đề án truy suất nguồn gốc thực phẩm, xây dựng chợ ATTP. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết việc thực hiện truy suất nguồn gốc thịt heo thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay thịt heo vào các kênh hiện đại cũng như 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền được truy suất nguồn gốc 100%.
Hiện Sở Công Thương đang triển khai đề án với thịt và trứng gia cầm, đồng thời đã hoàn thiện dự án xây dựng chợ an toàn vệ sinh thực phẩm trình UBND TP. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân. Ngoài ra Sở cũng thực hiện truy suất và làm sạch rau củ quả từ đầu nguồn, thí điểm từ Lâm Đồng, để hạn chế mang rác về TPHCM. 
Nỗi lo an toàn thực phẩm ảnh 1
Vẫn chưa an tâm
Hiện nay mô hình chợ truyền thống vẫn chiếm hơn 80%, vì thế dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác truy suất nguồn gốc thực phẩm, nhưng người dân vẫn không hết lo lắng về ATTP.
Thí dụ, tại bất cứ khu chợ đầu mối hay chợ truyền thống nào khi hỏi những mặt hàng như khoai tây, cải thảo, bắp cải, cà rốt… người bán khẳng định đó là hàng Đà Lạt. Nhưng trong buổi chia sẻ mới đây tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết việc rau quả Trung Quốc hóa phép thành hàng Đà Lạt: “Trước đây, khoai tây Trung Quốc được đưa về Đà Lạt trộn đất đỏ rồi giả xuất xứ Đà Lạt khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu, khó quản lý. Bây giờ, khoai tây Trung Quốc chở từ biên giới phía Bắc về Lâm Đồng, sang qua xe biển số Lâm Đồng rồi chở về các chợ đầu mối ở TPHCM, hợp thức hóa thành khoai tây Đà Lạt. Mặt hàng rau cũng vậy”.  
Ông Hải nêu một vài con số đáng lưu tâm là mỗi năm Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu tấn rau, 50% trong đó đưa về TPHCM tiêu thụ và chỉ khoảng 20% có truy xuất được nguồn gốc và đạt chứng nhận rau an toàn. Như vậy 80% lượng rau đưa ra thị trường nói chung và đưa về TPHCM nói riêng là rau không truy suất được nguồn gốc, không đạt chứng nhận rau an toàn.
Có thể phần nhiều trong số rau an toàn được đưa về các trung tâm bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng mua rau, củ trong siêu thị. 
Rõ ràng vấn đề ATTP vẫn còn rất nhiều điều phải quan tâm và nhiều việc phải làm. Việc thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần giải bài toán này cho TPHCM. 

Các tin khác