Những người bị sang chấn tinh thần khi mắc Covid-19 rất cần được hỗ trợ, tư vấn tâm lý
Hàng xóm, bạn bè xa lánh
Do gia đình có người mắc Covid-19 nên chị Mai (ngụ tại một chung cư trên địa bàn phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM) đã mua sả, vỏ bưởi để xông nhà. Sau khi xông, chị mở cửa để căn hộ được thông thoáng. Thế nhưng, chỉ 5 phút sau, chị ngỡ ngàng khi hình ảnh căn hộ của mình được đăng lên group chung cư với phản ánh “không có ý thức bảo vệ cộng đồng” và yêu cầu chị phải đóng cửa lại.
Ngay sau đó, rất nhiều cư dân trong chung cư đã bình luận và cho rằng hành vi của gia đình chị Mai là “khinh thường sức khỏe của người khác” và “ý thức kém”.
“Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhà có người F0 nên mở cửa cho thoáng khí và việc mở cửa hoàn toàn không có khả năng lây lan dịch, nhưng tôi không ngờ hàng xóm của tôi lại có suy nghĩ kỳ thị như vậy. Tôi cảm thấy rất tổn thương”, chị Mai chia sẻ.
Không chỉ bị hàng xóm trong chung cư kỳ thị, bà Lê Thị Hoa (ngụ quận 12, TPHCM) lại bị chính bạn bè “xa lánh” dù đã khỏi Covid-19 hơn một tháng.
Bà Hoa kể, trước đây, bà và 3 người khác trong tổ dân phố chơi chung với nhau. Bình thường, các bà thường hay rủ nhau tập thể dục, mua đồ ăn và chia sẻ nhiều vui buồn. Thế nhưng, những ngày gần đây, 3 người kia không còn niềm nở với bà Hoa như trước. Đáng buồn hơn, các gia đình khác trong khu phố còn không cho con chơi đùa với cháu của bà Hoa, khiến cho đứa trẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì.
Còn chị Hồ Thị Thủy, nhân viên một công ty vệ sinh ở TP Thủ Đức, sau khi trở thành F0 và khỏi bệnh, chị quay trở lại làm việc thì gặp rất nhiều khó khăn.
“Đầu tiên công ty bắt tôi phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, dù tôi mới hoàn thành việc cách ly sau điều trị Covid-19 14 ngày. Sau đó, khi tôi đi làm lại thì những nhân viên khác của công ty đã tỏ thái độ không muốn làm chung tổ chỉ vì tôi từng là F0”, chị Thủy ngao ngán.
Thực trạng F0 và F0 khỏi bệnh bị kỳ thị đã diễn ra âm thầm từ lâu trong cộng đồng. Nhưng nay, trong bối cảnh cả nước đang hướng đến cuộc sống thích ứng với dịch bệnh, thì một bộ phận không nhỏ có thái độ kỳ thị rõ rệt đối với những người đã và đang mắc Covid-19. Tình trạng này diễn ra từ các khu dân cư đến công sở, doanh nghiệp.
Trong hội thảo trực tuyến “Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp” được tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết, có nhiều công nhân từng là F0 bị kỳ thị khi quay lại làm việc tại một số doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bán lẻ hoặc trang trí nội thất, xây dựng, dù họ đã có “thẻ xanh”.
Cần thấu hiểu và chia sẻ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, trong quá trình tham gia tư vấn, giải đáp thắc mắc về dịch bệnh vừa qua, ông đã gặp nhiều tình huống kỳ thị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Có người bị hàng xóm kỳ thị, bít cửa sổ, ngăn lối đi vì sợ bị lây bệnh. Thậm chí có người còn kỳ thị cả gia đình có nhân viên y tế đang tham gia chống dịch ở tuyến đầu.
“Tôi không hiểu vì sao có nhiều người kỳ thị cả những F0 đã khỏi bệnh, trong khi đây là những người an toàn nhất, bởi họ có miễn dịch từ 6 tháng đến 1 năm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Liên quan đến việc kỳ thị F0, Th.S Phan Thị Hoài Yến, Trưởng khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức, nhìn nhận, chính sự sợ hãi thái quá và nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19 là nguyên nhân của sự kỳ thị. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến các F0 đã khỏi bệnh và gia đình của họ sau khi khỏi bệnh.
Đối với hành vi yêu cầu gia đình F0 phải đóng cửa khi cách ly tại nhà, Th.S Hoài Yến khẳng định, đó là “cánh cửa tâm lý” chứ không có giá trị về y khoa. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ dạy con không được chơi với bạn từng là F0, hoặc gia đình có người F0 sẽ khiến trẻ nhận thức sai về dịch bệnh.
Nghiêm trọng hơn, hành vi phân biệt, kỳ thị của người lớn sẽ khiến trẻ con bị tổn thương về tâm lý. “Một khi đã xác định sống chung với dịch thì chúng ta cần có cái nhìn thoáng và đúng về dịch bệnh. Việc mắc bệnh không liên quan đến nhân cách, đạo đức, lối sống. Vì thế cần có sự thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ. Rõ ràng kỳ thị biểu hiện thiếu bao dung, thân thiện giữa con người với nhau”, Th.S Hoài Yến nêu quan điểm.
Cùng với việc bị kỳ thị, bản thân những người mắc Covid-19 cũng thường gặp các vấn đề tâm lý “hậu Covid-19”. Th.S Nguyễn Thị Thanh Tùng, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, trong quá trình thực hiện chương trình “Vaccine tinh thần”, cô cùng đồng nghiệp đã gặp rất nhiều trường hợp là F0 đã khỏi bệnh bị khủng hoảng tâm lý. Còn theo kết quả nghiên cứu trên 230.000 hồ sơ sức khỏe của những bệnh nhân tại Mỹ được công bố trên tạp chí y khoa Medscape Medical News, có tới 1/3 số người khỏi Covid-19 mắc bệnh tâm thần hoặc thần kinh như rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, lạm dụng chất gây nghiện và mất ngủ. Các chuyên gia cho rằng, thay vì kỳ thị những người đã mắc Covid-19, người dân cần biết cách phòng ngừa bệnh phù hợp, tiêm đầy đủ vaccine và tuân thủ các biện pháp 5K. |