Dow nối dài đà giảm cho năm 2023
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 286,50 điểm, tương đương 0,86%, khép phiên ở mức 33.127,74. S&P 500 trượt 0,72% xuống 4.061,22. Nasdaq Composite hạ 0,49%, kết phiên ở mức 11.966,40. Đây là ngày giảm thứ tư liên tiếp của các chỉ số chính.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số Dow đã giảm 0,06%. Sự sụt giảm của cổ phiếu Boeing, Disney, Goldman Sachs và American Express cũng góp phần không nhỏ trong việc kéo lùi chỉ số Dow.
Tuy nhiên, vấn đề khiến các nhà đầu tư lo ngại lại tới từ các ngân hàng khu vực của Mỹ. Cổ phiếu của PacWest đã lao dốc hơn 50%. Đà suy giảm xảy ra sau khi có thông tin vào cuối ngày thứ Tư rằng ngân hàng có trụ sở tại California đang đánh giá các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả khả năng “bán mình”.
Cổ phiếu ngân hàng khu vực Mỹ cũng bị bán tháo mạnh, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Bank ETF (KRE) mất hơn 5%. Western Alliance bốc hơi 38% và đã bị ngừng giao dịch nhiều lần do biến động quá mạnh. Trong khi đó, Zions Bancorporation rớt 12%.
Các nhà đầu tư cũng đã xem xét việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và “tiêu hóa” các bình luận sau cuộc họp hôm thứ Tư.
Keith Apton, giám đốc điều hành tại UBS Wealth Management, cho rằng sự biến động trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp ích cho sứ mệnh hạ nhiệt nền kinh tế của Fed.
“Tôi nghĩ nó sẽ giải quyết công việc của Fed. ... Những tổ chức cho vay trong khu vực sẽ phải hạn chế vốn. Tôi không nghĩ rằng tiền sẽ chảy qua hệ thống dễ dàng như vậy trong nửa cuối năm nay và điều đó gián tiếp sẽ làm hạ nhiệt nền kinh tế, mà cuối cùng sẽ thực hiện công việc của Fed bằng cách giảm lạm phát,” ông Apton nói.
Mối quan tâm về nhu cầu kéo dài
Khép phiên, hợp đồng tương lai dầu Brent tiến 17 cent, tương đương 0,24%, lên 72,50 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ lùi 4 cent, tương đương 0,06 xuống 68,56 USD.
WTI trong đầu phiên giao dịch hôm thứ Năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong phiên là 63,64 USD/thùng, mức giá thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Giá dầu giảm trong tuần này sau những lo ngại về nền kinh tế Mỹ và các dấu hiệu tăng trưởng sản xuất yếu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trượt dài hơn sau khi Fed tăng lãi suất vào thứ Tư. Điều đó giới hạn triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Fed dường như đưa ra tín hiệu rằng họ có thể tạm dừng tăng lãi suất để các quan chức có thời gian đánh giá hậu quả từ những thất bại của các ngân hàng gần đây và để làm rõ tranh chấp về việc tăng trần nợ của Hoa Kỳ đã giúp hỗ trợ thị trường.
ECB đã tăng ba mức lãi suất chính sách lên 25 điểm cơ bản, mức tăng nhỏ nhất kể từ khi ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất vào mùa hè năm ngoái và để ngỏ các lựa chọn đối với các động thái trong tương lai khi cơ quan này chống lại lạm phát khu vực đồng euro cao một cách ngoan cố.
Cùng với việc nhà đầu tư khó chịu trước thông điệp của ngân hàng trung ương, các chỉ số chứng khoán của Phố Wall đã chịu áp lực vào thứ Năm từ một đợt giảm giá khác của nhóm cổ phiếu ngân hàng Hoa Kỳ, vốn đã quay cuồng sau sự sụp đổ của một ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực vào cuối tuần qua.
Mặt khác, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, một nhóm được gọi là OPEC+, đã bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện vào đầu tháng Năm.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm thứ Năm cho biết Nga đang tuân thủ cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày (bpd) từ tháng 2 đến cuối năm.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho hay: “Những gì chúng ta đang thấy là sự kết hợp giữa “những cơn gió ngược” về kinh tế và sự hoài nghi rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ thực sự xảy ra.”