Tuy nhiên, trong tương tác “không biên giới” của internet, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp dần rời xa những chuẩn mực ban đầu; một bộ phận bạn trẻ có biểu hiện lệch chuẩn, dẫn đến hệ lụy khôn lường!
Khác với khái niệm thần tượng là sự ngưỡng mộ người có tài năng xuất chúng, là người đã đạt đến tầm cỡ nào đó, đem lại giá trị, được nhiều người ngưỡng vọng và noi theo; trong sự bùng nổ của mạng xã hội, “idol giới trẻ” chỉ cần sở hữu video triệu lượt xem, tài khoản triệu người theo dõi… nghiễm nhiên trở thành thần tượng của một bộ phận người trẻ. Mặc kệ tài năng hay thực lực chuyên môn, “idol giới trẻ” chỉ cần “on top”.
Cứ nhiều người xem là nổi
Cuối tháng 9 vừa qua, nhiều tài khoản mạng xã hội bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Với những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X hay 8X về trước, tên của thầy gần như là tấm gương, là thần tượng của nhiều lứa học trò về nghị lực của một con người bình thường trước những thử thách, khó khăn trong cuộc sống… Và nhiều người đặt ra câu hỏi, thần tượng của thế hệ trẻ hay gen Z bây giờ là những ai?
Gen Z được biết đến là những bạn trẻ sinh ra và lớn lên khi internet đã phủ sóng và cùng với đó là sự bùng nổ các nền tảng mạng xã hội. Theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 do We are Social (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông và xã hội, trụ sở tại Luân Đôn, Anh) và Kepios (công ty sáng tạo và chiến lược Digital Marketing, trụ sở tại Singapore) công bố đầu năm 2022, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Lượng người dùng mạng xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021) và chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi.
Phân tích từ Kepios cho thấy, người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã tăng 5 triệu người từ năm 2021 - 2022
Thống kê trên cho thấy, mạng xã hội gần như không thể tách rời, trở thành một phần trong đời sống của giới trẻ hiện đại và thần tượng của họ cũng đã khác đi nhiều. Video triệu lượt xem, tài khoản triệu người theo dõi nghiễm nhiên trở thành “idol giới trẻ” (tạm dịch: “thần tượng giới trẻ”, cách những bạn trẻ gọi các tài khoản mạng xã hội mình yêu thích), trên các nền tảng trực tuyến.
Bắt đầu từ video hướng dẫn trang điểm hay giới thiệu mỹ phẩm mới, tài khoản mạng xã hội H.L. (SN 1990, hơn 1,7 triệu lượt theo dõi trên YouTube) bỗng chốc trở thành “idol giới trẻ”, nhiều bình luận gọi cô là “chiến thần”, vì sẵn sàng chê sản phẩm chất lượng chưa tốt. Và cuộc chiến từ “chiến thần” cùng nhiều tài khoản khác bắt đầu, khi H.L. liên tục đăng tải video “bóc phốt” các quán ăn, kéo theo đó là bình luận từ hàng ngàn tài khoản người trẻ để “hóng” sự việc và “ủng hộ chiến thần”.
Mùa trung thu vừa qua, không ít người bức xúc khi “chiến thần” liên tục tung ra video chê các xưởng bánh truyền thống tại Hải Phòng và TP Hà Nội. “Không chỉ là cái bánh trung thu mà nó còn là hương vị của ký ức và nếp văn hóa lâu đời gắn với người dân ở đó phải 50, 60 năm rồi. Không hiểu sao mà cô L. làm video chê đủ đường, không đúng sự thật và cũng không am hiểu văn hóa ẩm thực, rồi so sánh thua bánh của những thương hiệu khác, đúng là câu view bất chấp, vậy mà tôi thấy có nhiều bạn trẻ cứ vào bình luận gọi là chiến thần”, chị Vũ Lâm Phương (42 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Hay gần nhất là sự việc lừa đảo với từ khóa “thao túng tâm lý” xôn xao cộng đồng mạng từ tài khoản T.D. (tên thật N.T.V.A.) sinh năm 1995, ở Bắc Giang. Thậm chí, màn livestream khoe sự việc cô vừa trở về từ cơ quan công an và thừa nhận hành vi lừa đảo của mình cũng thu hút hơn 16.000 lượt xem cùng lúc. Trái khoáy, nhiều bạn trẻ để lại bình luận tung hê cô như một thần tượng: “Ngưỡng mộ và mãi ủng hộ chị” (tài khoản V.T. viết), “Em thần tượng chị, giọng chị nghe dễ thương quá” (tài khoản N.A.H. bình luận)…
Tài khoản T.D. từng có lượng xem khủng mỗi lần livestream, trước khi bị bắt giữa tháng 10 vừa qua vì hành vi lừa đảo
Công thức làm “idol giới trẻ”
Không khó để nhận ra công thức để làm “idol giới trẻ”. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, “thuật toán + sự dễ dãi = một lứa thần tượng độc hại”. Sự thay đổi liên tục của các thuật toán trên nền tảng mạng xã hội, nội dung sáng tạo không còn giữ vị trí hàng đầu để “on top” (được hiểu là những video, hình ảnh, nội dung được nhiều tương tác: thích, bình luận, chia sẻ… sẽ hiển thị liên tục trên bảng tin chung). Tốc độ truyền tin của mạng xã hội, cùng sự dễ dãi của một bộ phận người dùng cũng như những đặc điểm hành vi, tâm lý, thuật toán của mạng xã hội, “idol giới trẻ” hình thành theo kiểu “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn... xa hơn”.
Nội dung sáng tạo mang tính xây dựng cộng đồng tốt đẹp hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhưng không đạt được lượt xem “khủng” cũng đành bó tay. Bởi thuật toán để “on top” phải là những video hay nội dung, hình ảnh “triệu view”; và muốn được “triệu view” phải biết bắt trend (trào lưu) đang đình đám. Bất chấp nội dung gì, đạt lượt xem/theo dõi càng cao thì đó mới là thuật toán mới đưa các “chủ tịch”, “chiến thần” hay “bà trùm” vô danh nào đó chễm chệ thành “idol giới trẻ”.
TS Nguyễn Hữu Hảo, Trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ: “Theo tâm lý chung, con người rất hay tò mò với thông tin tiêu cực, vì tin chính thống thì họ mặc định đó là điều đương nhiên. Các tài khoản sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đánh sâu vào tâm lý tò mò của người dùng, nhất là người trẻ, vì đa phần trải nghiệm cuộc sống của bạn trẻ chưa nhiều nên các nội dung tiêu cực sẽ dễ gây tò mò và từ tò mò, họ phải tìm để nghe, để xem. Từ đó, người sáng tạo nội dung và người dùng trên các mạng xã hội tự tạo ra những trào lưu với nhau, chứ điều đó không hẳn là xu hướng hay trào lưu chung của xã hội. Mỗi lượt xem, lượt thích từ việc tò mò đều như một cánh tay nối dài để các tài khoản sáng tạo nội dung trên mạng xã hội tồn tại”. Và chỉ cần một cú click, không cần biết người xem có xem hết video hay chỉ xem đoạn ngắn cũng đã làm tăng lượt xem, các tài khoản sáng tạo nội dung cứ theo đà đó, nắm bắt xu hướng quan tâm của người dùng, liên tục cho ra những nội dung thậm chí ngày càng độc hại hơn.
Trong sự bùng nổ của mạng xã hội, tiêu chuẩn xem - nghe của một bộ phận người dùng trẻ ngày càng phụ thuộc vào con số, nhiều bạn thường chọn xem video, hình ảnh, nội dung… đang “hot” trên mạng hơn là nội dung bản thân mình cần. Một ví dụ thấy rõ nhất, là những hội nhóm “hít drama”, “đu trend”, “xin link”… để theo số đông mỗi khi có vụ lùm xùm của người nổi tiếng hay bất kỳ ai đang được lan truyền trên mạng xã hội.
Một vòng lặp lẩn quẩn thấy rõ: “thần tượng độc hại” nhưng vẫn được đón nhận, “on top” và “idol giới trẻ” vẫn “on top” thì những nội dung chưa hay thậm chí là phản cảm vẫn được họ tiếp tục tung ra. Từ đó, các “idol giới trẻ” như nấm mọc sau mưa, khiến không ít bạn trẻ tin rằng mình cũng có thể nổi tiếng dù chỉ là những video “làm khùng làm điên”. Sự xuất hiện của “idol giới trẻ” trên mạng xã hội như sóng sau xô sóng trước, bởi các nền tảng này tiếp nhận hàng trăm ngàn, hàng triệu nội dung sáng tạo mỗi ngày. Nhưng sóng sau có kịp xô sóng trước có lẽ chưa cần bàn đến, đáng nói là một thế hệ trẻ lớn lên với những “thần tượng độc hại”, trò đùa vô duyên thậm chí là vô cảm, nguy hiểm… mới chính là điều đáng lo ngại.
Thuật toán từ các nền tảng trực tuyến, “idol giới trẻ” tung hoành nhờ vào lượt xem, bình luận, chia sẻ của người dùng. Sự xuất hiện của họ phản ánh thị hiếu của một bộ phận người trẻ và để thay đổi những “thần tượng độc hại” này, nó nằm ở những người vẫn đang dành nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội để theo dõi “idol giới trẻ”.
TS Nguyễn Ngọc Tường, Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, chia sẻ: “Nếu thần tượng ai đó mà đánh mất sự kết nối với bản thân, hình ảnh cá nhân, cái tôi, cái bản ngã không được chú ý chăm sóc, thay vào đó là sự đồng nhất bản thân với một người khác, lấy thước đo giá trị của người khác để đo giá trị của mình… thì khi đó, việc thần tượng sẽ trở thành một rào cản trong quá trình phát triển bản thân của giới trẻ. Càng nguy hiểm hơn khi người được thần tượng lại theo một định hướng giá trị chưa phù hợp”. |