Sau quy định tăng biên độ giao dịch chính thức áp dụng từ ngày 15-1, giải pháp nới biên độ cho khối ngoại cũng được cho là biện pháp nhằm tăng sức hấp dẫn cho TTCK, đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn ngoại.
Theo luật định hiện nay, NĐTNN chỉ được nắm không quá 49% cổ phần tại các công ty niêm yết, như vậy giải pháp nới biên độ UBCKNN sẽ phải sửa đổi một số quy định quan trọng trong việc nắm giữ cổ phần của khối ngoại tại các công ty niêm yết.
Cụ thể, đối với các công ty niêm yết thuộc loại hình doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối, có thể cho phép NĐTNN tăng tỷ lệ sở hữu lên từ 51-60%, nhưng với điều kiện không có quyền biểu quyết với phần vượt 49%.
Đối với một số ngân hàng thương mại yếu kém cần thu hút thêm vốn NĐTNN để tái cơ cấu, có thể bỏ khống chế tỷ lệ 30% hoặc cho phép NĐT chiến lược nước ngoài nắm giữ vượt mức 20% vốn tại các ngân hàng này.
Tính đến ngày 11-1-2013, NĐTNN nắm giữ khoảng 7 tỷ USD trong tổng số 36 tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết trên sàn HOSE (tương đương 20% giá trị vốn hóa). Trong năm 2012, mặc dù nền kinh tế được đánh giá là còn nhiều khó khăn, song lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011.
Ngoài ra, xu hướng mua ròng là chủ đạo trên cả 2 sàn, kể cả những tháng thị trường giảm mạnh như thời điểm tháng 5 và tháng 8. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng gần 4.540 tỷ đồng (tương đương 218 triệu USD) trên HOSE và HNX. Cũng trong năm 2012, dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động thâu tóm, sáp nhập (M&A) cũng đạt trên 1,5 tỷ USD.
Các thương vụ này đều có giá trị vài chục triệu USD, thậm chí hơn 500 triệu USD như trường hợp của Vietcombank và hơn 740 triệu USD thương vụ của Vietinbank. Bên cạnh đó, hoạt động huy động trái phiếu qua HNX tăng gấp 2 lần so với năm 2011.
Như vậy cho dù khối ngoại đang có vai trò hết sức quan trọng, nhưng theo CTCK Rồng Việt (VDSC), giải pháp nới room ngoại vẫn chưa thể tạo ra tác động tích cực trong ngắn hạn đối với diễn biến của thị trường bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, việc mở room sẽ chỉ thu hút được NĐTNN đối với một nhóm CP thỏa mãn tiêu chí của họ chứ không có lợi cho toàn thị trường chung. Thứ hai, sẽ mất nhiều thời gian để các giải pháp trên được đưa vào thực tiễn bởi phải sửa đổi các quy định hiện hành.
Đặc biệt, sự quan tâm của khối ngoại đối với TTCK Việt Nam phụ thuộc vào quy mô, tính thanh khoản và tương quan so sánh với các thị trường khác trong khu vực và điều kiện tiên quyết chính là sự ổn định vĩ mô. Do đó, một khi các yếu tố trên được cải thiện mới giúp tăng cường sự hấp dẫn của TTCK đối với NĐTNN và ngược lại.
Từ thực tế này, VDSC cho rằng thị trường vẫn chịu ảnh hưởng của xu hướng và các yếu tố cơ bản chứ không phải việc nới rộng biên độ hay tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN. Do đó, những ảnh hưởng của giải pháp này đối với diễn biến thị trường sẽ không nhiều.
Việc tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN khó có thể phát huy tác dụng trong ngắn hạn và nếu có được thực thi chỉ có lợi đối với nhóm CP được NĐTNN ưa thích.