Cụ thể, bệnh nhân nam P. T. T. (69 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng mệt nhiều, ho đàm đục, khó thở tăng dần, sốt nhẹ, đau ngực nhiều, phổi giảm thông khí. Kết quả Xquang ngực thẳng ghi nhận bóng mờ vùng đáy phổi nghi ngờ dị vật.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định nội soi phế quản ống mềm có gây tê để lấy dị vật. Trong quá trình lấy dị vật này rất khó khăn do nằm đã lâu trong lòng phế quản gây viêm phổi nghẽn, tăng sinh mô hạt nhiều nên phải giải phóng mô hạt.
Sau 90 phút nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật hạt hồng xiêm nằm trọn hết thùy dưới phổi, niêm mạc phù nề, bơm rửa sạch phế quản thùy dưới phổi. Hiện bệnh nhân tỉnh, không sốt, giảm ho, các dấu hiệu lâm sàng cải thiện rõ.
Bệnh nhân nữ H. T. T. (62 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng ho đàm nhiều, khàn tiếng kéo dài, viêm thanh quản cấp, liệt dây thanh. Bệnh nhân được chẩn đoán liệt dây thanh âm và thanh quản, viêm phổi; kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang ghi nhận tình trạng viêm phổi, hình ảnh cản quang nghi ngờ dị vật vị trí lòng phế quản thùy dưới phổi.
Các bác sĩ thực hiện nội soi phế quản ống mềm có gây tê để lấy dị vật. Sau 60 phút nội soi, các bác sĩ đã dùng kềm lấy được dị vật là 1 chiếc xương cá khoảng 3cm nằm gần hết lòng các phế quản thùy dưới phổi, gây viêm cấp phù nề niêm mạc thùy dưới phổi.
Một trường hợp khác cũng được các bác sĩ nội soi phế quản lấy dị vật là hạt bắp bị sặc rơi vào phế quản. Hiện bệnh nhân ổn định.