Nỗi ưu tư về thiên nhiên bị ngược đãi

(ĐTTCO) - Cùng với đại dịch Covid-19, thực trạng hạn mặn ở ĐBSCL cũng khiến cả nước âu lo. Những cuộc vận động thiện nguyện cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt chỉ là giải pháp tạm thời.
 Chờ đợi những cơn mưa vàng từ trên trời rơi xuống, cũng không phải giải pháp lâu dài. Từ thực trạng ấy, đã đến lúc phải suy ngẫm thấu đáo hơn về quan hệ giữa con người và thiên nhiên.  
Câu chuyện nóng bỏng ở vùng sông nước Cửu Long và nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác, càng chứng minh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến cuộc sống chúng ta. Có 1001 nguyên nhân được đưa ra, vừa phân bua vừa bào chữa cho thực tế phũ phàng. Thế nhưng, có nguyên nhân không ai có thể chối cãi, đó là con người đã đối xử tệ bạc với thiên nhiên.
Thiên nhiên đã nổi giận, như một cách đáp trả cho hành vi ích kỷ và ngược ngạo của chúng ta. Hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng cao là hệ lụy từ những cánh rừng trơ trụi, những con suối khô cạn, những dòng sông biến dạng. Ai là thủ phạm?
Nỗi ưu tư về thiên nhiên bị ngược đãi ảnh 1
Chính chúng ta, trong khát vọng hiện đại hóa và đô thị hóa thiếu cân nhắc, đã gây nên. Chúng ta ảo tưởng về khả năng chinh phục thiên nhiên bằng những việc làm tàn phá thiên nhiên. Chúng ta nhân danh phục vụ nhu cầu tiện ích vật chất để từng bước đẩy nhau vào môi trường ngột ngạt và tồi tệ. Nói có vẻ ngoa ngôn nhưng vẫn đảm bảo tính chân xác: chúng ta dù vô tình hay cố ý, dù khéo léo che đậy hay vụng về lấp liếm, vẫn đang phơi bày đầy đủ bộ dạng của những đứa con bội bạc trước Người Mẹ Trái Đất.
Bao thế hệ người Việt tự hào về non sông gấm vóc. Dọc theo đất nước ta có rất nhiều cảnh đẹp. Thế nhưng, phía sau những đổi thay có vẻ phồn hoa, thiên tai càng ngày càng khủng khiếp hơn. Miền Tây Nam bộ kênh rạch chằng chịt mà ruộng vườn lại khô cằn, nứt nẻ. Miền Trung lũ lụt triền miên.
Còn tại đô thị lớn như TPHCM chỉ cần một cơn mưa đã ngập lai láng mọi con phố. Vì sao như vậy? Vì thiên nhiên đã bị xâm hại nghiêm trọng. Chưa tổ chức nào đưa ra con số thống kê chính xác, nhưng từ sự quan sát bình thường ai cũng nhận ra được thảm cảnh từ những cuộc khai thác tài nguyên thật tàn khốc. Những ngọn núi và những vạt đồi đã bị san phẳng. Những cánh rừng liên tục kêu cứu, rừng tái sinh cũng dần thành rừng nghèo kiệt, để rồi trưng dụng làm khu nghỉ dưỡng hoặc làm sân golf. 
Có phải vì khốn đốn miếng ăn mà chúng ta dồn hết mọi tai ương sang môi trường? Chưa hẳn. Bàn tiệc với món đặc sản chế biến từ thú quý hiếm, dành cho ai? Những bộ bàn ghế gỗ trị giá hàng tỷ đồng, dành cho ai? Những khúc sông bị lấn chiếm để làm biệt thự triệu đô, dành cho ai? Tất nhiên, những người có thu nhập thấp không có cơ hội sở hữu. Tất cả đều dành cho những người thành đạt trong xã hội, những người luôn vỗ ngực tự hào về sự giàu có lẫn sự sang trọng.
Người ta chen chân nhau, người ta giành giật nhau để hưởng thụ, không nghĩ gì đến hậu quả cộng đồng phải gánh chịu. Khi những bài học đạo đức không còn ý nghĩa, thiên nhiên ắt thịnh nộ trừng phạt. Nắng gay gắt hơn, mưa dầm dề hơn, giông bão thường xuyên hơn. Dưới nước cá tôm thưa vắng, trên bờ trái ngọt không còn. Nếu ai cũng cho mình vô can, chất lượng sống sẽ tụt lùi mãi mãi. 
Nỗi ưu tư về thiên nhiên bị ngược đãi ảnh 2
Biến đổi khí hậu tại Việt Nam đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Mực nước biển dâng làm tăng diện tích bị xâm nhập mặn, mất đất canh tác nông nghiệp, gia tăng xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, đô thị, khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống. Nhiệt độ tăng làm thay đổi các hệ sinh thái và độ ẩm cao làm các loài vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như chất lượng các công trình. 
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO, nhiều loại hình thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô và tần suất ngày càng lớn. Việt Nam được dự đoán bị tác động nặng nề nếu khí hậu tăng lên 1oC và nước biển dâng cao 1m. Các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam còn cho thấy, đến cuối thế kỷ 21 sẽ có 40% diện tích BĐSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích TPHCM sẽ bị ngập.
Lòng tham của con người đang hủy hoại thiên nhiên. Không một quốc gia văn minh nào lại đem môi trường đi đổi lấy kinh tế. Không còn con suối róc rách, không còn bóng mát cổ thụ, không còn dòng sông hiền hòa… chúng ta dùng tiền bạc để mua lại những thứ phù phiếm gì? Để xây dựng một khu thương mại, hàng cây trăm tuổi bỗng dưng bị đốn hạ mà không người nào hình dung phép toán tử tế hơn cho xã hội.
Hiện nay, mật độ cây xanh tính trên đầu người ở các thành phố của Việt Nam đã thấp đến mức báo động. Chúng ta dựa dẫm vào cái máy lạnh để ứng phó cơn nóng bức, nhưng nguồn oxy để chúng ta hít thở thì sao? Chúng ta hãnh tiến giữa tiện nghi mà chúng ta lại thành hoang dã giữa thế gian. Con chim hót ngậm ngùi trong chiếc lồng chật không thể thánh thót như con chim hót trong la đà cành thấp cành cao. Ý niệm đơn giản ấy bỗng thành ý niệm lãng mạn vì sự hẹp hòi thực dụng đang mọc rễ trong tâm tính con người hôm nay. 
Con người quay lưng với thiên nhiên, thì thiên nhiên cũng bỏ rơi con người. Đó là điều cay đắng không thể trốn chạy. Thiên nhiên cần bàn tay gìn giữ của con người, cũng như con người cần bàn tay che chở của thiên nhiên. Mối quan hệ tương giao kia, nếu bị đổ vỡ hoặc bị phản trắc, kết cục là những tổn thương nhức nhối triền miên. Đừng tiếp tục gây hấn với thiên nhiên, nếu con người muốn được sống bình yên và no ấm. Thiên nhiên nổi giận, con người sẽ lầm than và bất hạnh. 
Vì vậy, hãy bắt đầu làm lành với thiên nhiên trước khi quá muộn. Hãy tôn trọng thiên nhiên như một người bạn, hãy yêu mến thiên nhiên như một người tình, thì con đường bây giờ in dấu chân chúng ta vẫn còn nâng bước nhiều thế hệ sau. Thiên nhiên sẽ bớt nổi giận, không phải nhờ những khẩu hiệu, mà nhờ những hành động thiết thực hơn nữa. Người có quyền lực hãy ngừng bạt núi lấp sông. Người sản xuất hãy ngừng xả thải vào kênh rạch. Người chất phác hãy trồng thêm một hàng cây. Mỗi người góp một chút thiện cảm với môi trường để thiên nhiên được ôm ấp và nâng niu. 
Các tổ chức quốc tế đã và đang triển khai rất nhiều ngày hành động vì thiên nhiên. Nếu mỗi người đều cho mình cái quyền được đứng ngoài cuộc, ai chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường chung? Không cá nhân nào vô nghĩa trong khát vọng vun đắp lại thiên nhiên tươi xanh. Chỉ cần suy nghĩ tích cực sẽ thấy được viễn cảnh đẹp đẽ về môi trường.

Các tin khác