Theo đó, phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản…
Thế nhưng, có một điều nghịch lý là người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp lại luôn vất vả khó khăn, trong khi người gián tiếp trong chuỗi cung ứng đầu vào và ra sản phẩm nông nghiệp lại luôn khấm khá. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. VÕ HÙNG DŨNG, nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chúng ta thừa nhận nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế nhưng sao đời sống người nông dân vẫn luôn khó khăn?
TS. VÕ HÙNG DŨNG: - Phát triển kinh tế nông nghiệp, gần đây lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đã nói. Thật ra, sản xuất nông nghiệp là các hoạt động truyền thống từ cây trồng vật nuôi, đất đai, tài nguyên của đất nước, lao động con người… Khi phát triển nền kinh tế nó sẽ đa dạng hơn, tức chuyển sang thị trường để mua bán nhộn nhịp.
Theo tôi, người nông dân đã làm nhiệm vụ sản xuất, bây giờ điều cần là hướng làm sao để nông dân tiếp cận, sản xuất sản phẩm thích ứng với thị trường, và bản thân họ cũng phải có năng lực để bán hàng.
Lâu nay, chúng ta phân chia công việc sản xuất của ngành nông nghiệp, việc tiêu thụ kinh doanh của ngành công thương. Đây là sự phân chia về hành chánh, vô hình trung cắt khúc về chính sách. Lẽ ra, nên tập trung giúp người nông dân sản xuất tham gia vào thị trường, họ biết bán hàng, họ làm luôn cả marketing. Thế nhưng, chính sự “cắt khúc” trên khiến người nông đến nay vẫn chật vật.
Trong một hội thảo mới đây tại Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, đặt ra câu hỏi đáng suy nghĩ: “Lợi nhuận người dân trồng lúa không tăng trong thời gian dài. Tại sao vậy, ai đã lấy đi của người nông dân? Trong khi đó, các công ty, người cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công ty lương thực… đều giàu lên?”.
Đây là vấn đề cực kỳ lớn với chính sách, nhất là người đã lâu năm làm trong nông nghiệp như anh Thòn đặt vấn đề, rất thấm thía và cần được mổ xẻ kỹ lưỡng. Như vậy, người nông dân đang chịu thiệt. Chuỗi phân phối như thế nào mà khâu bán thuốc sâu, dịch vụ, thương lái, xuất khẩu... đều giàu, chỉ người nông dân vẫn khó khăn. Bản chất vấn đề ở đâu? Vấn đề này cần phải có những khảo sát, điều tra căn cơ hơn.
Vậy chúng ta nói chuyển từ sản xuất sang nông nghiệp và sang kinh tế nông nghiệp, nhưng chuyển làm sao để nông dân tham gia các phân khúc đang bị người ta lấy mất phần lợi nhuận. Vấn đề trọng điểm là làm sao để nông dân không đơn thuần chỉ là chủ thể trong sản xuất của nông nghiệp, mà họ phải được tham gia các phân khúc khác để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, như khâu đầu vào vật tư nông nghiệp, dịch vụ, xay xát, chế biến, tiêu thụ…
Đó mới là vấn đề chính sách. Vấn đề này nằm ngoài phạm vi nghiên cứu, nằm ngoài những nhà kinh tế, mà là của Nhà nước và địa phương phải giải quyết bài toán: làm sao cho người nông dân có thu nhập cao hơn
- Vậy với riêng ĐBSCL cần làm gì để phát huy lợi thế vùng miền, thưa ông?
- Lợi thế vùng miền, các chuỗi giá trị dĩ nhiên mỗi vùng miền có đặc thù riêng. Chính phủ phân chia, Bộ KH-ĐT cũng phân chia 6 vùng miền có tính đặc thù. Và ĐBSCL nổi lên đặc thù về cấu trúc là sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Nay cấu trúc này có thêm những lợi thế như thời tiết, khí hậu để có thể làm điện gió, điện mặt trời…
Nhưng trên cơ bản vẫn là lợi thế nông nghiệp và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy chúng ta cần tập trung phát triển những ngành chế biến để cho sản phẩm nông nghiệp cung cấp được cho thị trường trong và ngoài nước.
Ở đây có 2 vấn đề đặt ra. Trước đây chúng ta nhấn mạnh đến xuất khẩu do bối cảnh những năm 1980-1990 Việt Nam thiếu ngoại tệ, và cũng chỉ tập trung nhiều vào lúa gạo. Nay lúa gạo có thặng dư xuất khẩu, đi theo nó có một số ngành như thủy sản với con tôm, con cá khi vượt mức nhu cầu của vùng và trong nước đã tiến tới xuất khẩu.
Như vậy, ĐBSCL đã hình thành các dòng sản phẩm chính là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Đây là các chuỗi sản xuất lớn và lợi thế vùng miền của ĐBSCL.
Tuy nhiên, phải chấp nhận khi các chuỗi giá trị tập trung cho xuất khẩu với sự chuyên môn hóa cao, buộc phải xuất hiện tình trạng sử dụng ít lao động vì cạnh tranh để giảm chi phí, tức phải loại bớt lao động. Bên cạnh đó, có những hoạt động ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trước đây biến mất vì tất cả tập trung cho những chuỗi lớn xuất khẩu.
Nhưng ngược lại có thể phù hợp với chương trình OCOP hiện nay (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới).
Thực ra một số ngành tiểu thủ công nghiệp mất đi đã từng gắn với nhiều thế hệ tích góp dạng cha truyền con nối, khi mai một không thể nào bắt tay trở lại được. Do vậy cần một chính sách nếu phù hợp cho họ chuyển đổi, nếu cần sự đa dạng ngành nghề phải giữ lại và phục hồi những ngành tiểu thủ công nghiệp “vang bóng một thời”.
Khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) rất thích mô hình hội quán. Đây là mô hình nhẹ nhàng tập trung những người cùng ngành nghề để trao đổi kinh nghiệm. Ở hội quán kinh nghiệm và kiến thức được chia sẻ, rất bổ ích cho nông dân.
- Xin cảm ơn ông.
Phát triển kinh tế nông nghiệp phải làm sao để nông dân khá lên, cũng như để ngành nghề tiểu thủ công nghiệp không bị mai một, là những vấn đề cần giải quyết khi thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. |