Theo kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, toàn ngành phấn đấu đạt tăng trưởng xuất khẩu khoảng 8-10%/năm.
Ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển thương mại nông-lâm-thủy sản nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Theo đó, Bộ tập trung rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các chiến lược, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm (gạo, càphê, chè, hạt tiêu, hạt điều, cao su, thủy sản, đồ gỗ) phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Bộ cũng sẽ triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng quy trình canh tác tốt cho năng suất, chất lượng cao và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao trình độ, công nghệ trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ xuất khẩu đồng thời liên kết về lực lượng, tư liệu sản xuất, theo dõi, tổng kết các mô hình tốt để phổ biến, triển khai mở rộng trên cả nước.
Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại cũng là nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp chú trọng, trên cơ sở phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng phương án đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến năm 2020 về nông sản trong Chiến lược đàm phán các hiệp định thương mại tự do đến năm 2020 của cả nước.
Bên cạnh đó, ngành từng bước nâng cao năng lực cho các đơn vị cung cấp thông tin chuyên nghiệp nhằm thu thập, phân tích, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường để giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin chuyên sâu, chính xác, kịp thời, nâng cao khả năng cạnh tranh và thâm nhập thị trường hiệu quả…
Để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, Bộ Nông nghiệp đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại (kho tàng, bến bãi, trạm kiểm dịch động, thực vật, các phòng kiểm nghiệm chất lượng,…), ưu tiên đầu tư tại các cửa khẩu, cảng biển, các khu tập trung nông sản lớn và các địa điểm thông quan hàng hóa phù hợp với nhu cầu, đặc tính của hàng nông sản.
Đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả cung cấp và phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản và muối…