Nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tận thu

(ĐTTCO) - Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm 2015. Hơn bao giờ hết, DN đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

(ĐTTCO) - Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm 2015. Hơn bao giờ hết, DN đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vì thế, khi ngân sách nhà nước (NSNN) gặp khó khăn phải tìm cách giảm chi, hạn chế những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân kinh doanh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, thay vì đẻ ra nhiều loại thuế, phí để tận thu. Tuy nhiên, thời gian qua hàng loạt chính sách về thuế được ban hành khiến DN càng gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, dự thảo Nghị định về lệ phí môn bài do Bộ Tài chính soạn thảo được đưa ra lấy ý kiến, đang gặp nhiều phản ứng của dư luận.

Tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất đổi tên thuế môn bài thành lệ phí với mức thu tăng khoảng 2-3 lần so với quy định hiện hành. Theo đó, đối với DN, tổ chức tăng thêm 2-10 triệu đồng/năm; cá nhân tăng thêm 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm. Và nếu dự thảo này được thông qua, mức thu lệ phí mới với phí môn bài sẽ đạt khoảng 2.685 tỷ đồng/năm so 1.700 tỷ đồng/năm nếu thu theo mức cũ, tức sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng cho NSNN. Giải thích việc này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng tăng gấp 3 lần thuế môn bài không bắt nguồn từ tình hình NSNN đang khó khăn, mà chủ yếu do biểu thuế này hiện nay đã lạc hậu, cần thay đổi. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, đây không khác gì một kiểu tận thu thuế phí. Bởi lẽ, trong bất kỳ trường hợp nào, các khoản đóng góp ngân sách nếu phải tăng thì từ 1% đến tối đa 50%, chứ không thể tăng vọt lên 300%. Chưa hết, cùng với việc tăng thuế môn bài, với lý do giá dầu thô giảm mạnh, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 3.000 đồng/lít.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so Thái Lan 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14,3%… So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn, đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp 1,4-3 lần so với các nước. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 cũng do WB công bố, tỷ lệ huy động thuế phí đối với DN ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức làm được 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng.

Trong bối cảnh thu NSNN gặp khó khăn, nguồn thu không còn dồi dào, hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế đã được tập trung đẩy mạnh. Theo đó, trong quý I đã thu hồi được gần 11.000 tỷ đồng nợ thuế năm 2015. Cũng trong thời gian này, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 6.510 DN và qua thanh tra, kiểm tra, số tiền thuế tăng thu 1.629 tỷ đồng. Với thuế xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan đã thực hiện 546 cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu hơn 245 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) gần 198 tỷ đồng. Rõ ràng, với số thu thấp từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô, việc khẩn trương cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng chuyển dịch sang thu nội địa bền vững, hiệu quả là giải pháp quan trọng để giúp cân đối thu chi NSNN năm 2016.

Kết quả trên cho thấy, thay cho việc “tận thu”, “hành thu” DN để bù đắp số hụt thu NSNN, thu NSNN phải lấy việc nuôi dưỡng nguồn thu là mục tiêu quyết định sự ổn định và phát triển nguồn thu. Không còn con đường nào khác, việc nuôi dưỡng nguồn thu thông qua tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư, phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách. Song song với đó, việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về thuế (trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế môi trường...) cần được nhanh chóng hoàn thành, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước có cơ sở phát triển vững chắc. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất hiện nay là phải quyết liệt tìm cách giảm chi chứ không phải tăng thu, nhất là các nguồn thu liên quan khả năng cạnh tranh của hộ kinh doanh và DN.

Giảm chi, nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi các quy định, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, DN Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với DN nước ngoài, rất cần được trang bị các lá chắn pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới.

Các tin khác