(ĐTTCO) - Những khuyến nghị quan trọng để Việt Nam có thể phát triển hơn trong Báo cáo 2035 đều gắn với doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, hội thảo về các nội dung tại báo cáo diễn ra đầu tuần này, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại với triển vọng phát triển DN khi họ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và việc tháo gỡ lại không hiệu quả.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nêu thí dụ khi đề cập đến câu chuyện cải cách thể chế: “Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi thay đổi kiểm tra formaldehyde của hàng dệt may. Và dù có áp lực mạnh từ Chính phủ, góp ý từ DN nhưng bộ, công chức liên quan vẫn nói mình đúng và cũng không bị trừng phạt. Rõ ràng, thể chế đang không thúc đẩy thay đổi, công chức vẫn yên vị làm theo ý mình. Cái nhỏ không thay đổi, cộng đồng doanh nghiệp không đặt niềm tin là có lý do".
Gay gắt hơn, TS. Cung nhận xét: “Thay đổi là một quá trình. Thay đổi trong thời gian ngắn khó nhưng 5 năm có thể chuyển động được. Tại sao thân hữu ở Việt Nam nhiều? Đó là vì Nhà nước, công chức có quá nhiều thứ để cho. Cho không minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình. Tại sao? Vì chúng ta thiếu thị trường. Nhà nước có quá nhiều, DN có quá ít. Do đó, cải cách phải nằm ở khu vực nhà nước và Nhà nước phải đi đầu trước khi đòi hỏi sự thay đổi từ DN. Điều quan trọng là làm sao phải nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Làm được thế phải có áp lực hành chính đủ mạnh của Thủ tướng với bộ trưởng, của bộ trưởng với công chức cấp dưới”.
Đề cao vai trò của DN trong việc góp phần cải cách thể chế, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp WB, dẫn số liệu trong các cuộc khảo sát, DN luôn kêu phải tặng quà, chi phí không chính thức nhưng khảo sát năm 2013 của WB, có đến 75% DN tặng quà chủ động. Điều đáng lo ngại, sự chủ động này bắt đầu từ thế bị động. Đó là việc DN không muốn bị hành, nhũng nhiễu nên buộc phải đưa quà. Họ kinh doanh vất vả để tìm kiếm lợi nhuận nên không muốn để bị người khác tước đoạt. Bên cạnh đó, DN gặp quá nhiều sự vô cảm hay nói thẳng là sự vô trách nhiệm của một bộ phận công chức. Cải cách khó trông chờ sự tự giác của các cơ quan liên quan, vì điều đó gắn lợi ích với sự bảo thủ, không cải cách. Tức tính công khai, minh bạch chưa thành văn hóa.
![]() |
Việc đưa ra tầm nhìn cho nền kinh tế Việt Nam 20 năm tới là cần thiết, vì DN cần nhìn được cả dài hạn để yên tâm định hướng kinh doanh. Báo cáo 2035 đưa ra 6 khuyến nghị chuyển đổi quan trọng để Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, thoát bẫy thu nhập trung bình. Trong cả 6 định hướng đó, ở đâu cũng có DN và DN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hạn chế tác động môi trường và biến đổi khí hậu... Chính vì vậy, chính sách đề ra cần phải làm sao để khu vực DN phát triển, đặc biệt là DN tư nhân. Và để làm được như vậy, thể chế đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ DN, doanh nhân không chỉ là kết quả mà còn là động lực làm thay đổi thể chế, nhất là khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân là chìa khóa then chốt để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy đóng vai trò mạnh mẽ, nhưng hiện khu vực tư nhân đang đối mặt nhiều khó khăn, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ. Nhiều DN mong manh trong bối cảnh hội nhập cần phải được hỗ trợ. Để khu vực tư nhân phát triển đòi hỏi Chính phủ xác định vai trò của mình, làm rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, từ đó tạo điều kiện để khu vực tư nhân dẫn dắt.
Thực tế hiện nay không gian để cho sự tùy tiện hoạt động đang còn rất nhiều. Pháp luật quy định có thể tốt nhưng thực thi rất kém. Chính vì kỷ cương kém nên DN không thể lớn được. Do vậy, kỷ luật đầu tiên của Nhà nước là công chức không được tùy tiện, độc quyền. Tham nhũng từ độc quyền và không minh bạch mà ra. Điểm yếu nhất của công chức hiện nay là tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Quyền lực công không được kiểm soát sẽ làm nảy sinh tham nhũng. Để tăng cường kỷ cương, Nhà nước cũng phải thay đổi, tạo mô hình nhà nước mới: minh bạch, trách nhiệm giải trình và chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Riêng về minh bạch phải làm sao để người dân dự đoán được quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước. Nhà nước pháp quyền thì không được tùy tiện. Sự minh bạch sẽ giúp DN không thể thực hiện trái quy định của pháp luật hoặc đi đút lót để tạo thuận lợi riêng mình.