Ô nhiễm bụi mịn trong các thành phố tại Việt Nam sẽ là hệ lụy lâu dài

(ĐTTCO)-Nếu Việt Nam không sớm đưa ra các giải pháp quyết liệt để cải thiện, ô nhiễm sẽ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe với thế hệ tương lai như giảm tuổi thọ; gánh nặng về y tế sẽ gia tăng.
Ô nhiễm bụi mịn trong các thành phố tại Việt Nam sẽ là hệ lụy lâu dài

Nhận định ô nhiễm môi trường không khí đã và đang gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, giới chuyên gia môi trường cho rằng nếu Việt Nam không sớm đưa ra các giải pháp quyết liệt để cải thiện, ô nhiễm sẽ để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe với thế hệ tương lai như giảm tuổi thọ; gánh nặng về y tế sẽ gia tăng.

Còn nhiều rủi ro với môi trường

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi; có đến 17.000 người đã tử vong.

Trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Vì thế, số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể sẽ tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035. 

Chia sẻ với phóng viên, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết tình trạng ô nhiễm bụi đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta. Thực trạng này khiến chất lượng không khí ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Tại các đô thị lớn ở miền Bắc như Hà Nội, số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc. Trong đó, có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300).

Theo ông Tùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Điều dễ dàng cảm nhận nhất là do tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Hiện nay, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các địa phương, đặc biệt tại các huyện vùng ven Hà Nội vẫn còn phổ biến.

Bên cạnh đó, các yếu tố từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí.

Thực tế những năm gần đây cho thấy tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.

“Thành phố càng phát triển, công trình xây dựng, các khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Các loại vật liệu như xi măng, đất, phế liệu, khí thải và ý thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ môi trường chưa tốt, đều góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ bụi mịn, gây ô nhiễm không khí,” ông Tùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng lưu ý ở nước ta, ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày.

“Nếu không sớm cải thiện tình trạng này sẽ là hệ lụy lâu dài với thế hệ con cháu như tuổi thọ giảm đi, gánh nặng về y tế, kinh tế-xã hội sẽ tăng,” ông Tùng cảnh báo.

Có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp

Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp như: Cần tăng cường kiểm soát nguồn phát thải khí thải từ ôtô, xe máy; sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ôtô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường.

O nhiem bui min trong cac thanh pho tai Viet Nam se la he luy lau dai hinh anh 1
Tình trạng đốt rác thải ở trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng nhấn mạnh tới việc khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao, metro. Các địa phương cần phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết để hạn chế ô nhiễm không khí hiện nay, việc quan trong là cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí.

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình xây dựng; thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị; vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị.

Đại diện Tổng cục Môi trường cũng lưu ý, từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều Nghị định và các quy định khác được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành đã tạo hành lang pháp lý trong thực hiện bảo vệ môi trường không khí.

Đặc biệt, theo Nghị định 08 của Chính phủ, trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng, tùy vào quy mô và mức độ, cơ quan quản lý có thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân và cải thiện chất lượng không khí.

“Trong những hoàn cảnh đặc biệt, nếu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, theo cấp độ Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi quốc gia, ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Trường hợp "chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh," ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp như hạn chế như: Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường; hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, thậm chí được phép đưa ra các quy định cấm hay hạn chế phương tiện đi vào tỉnh, thành phố.

“Để bảo vệ người dân và ứng phó kịp thời, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố được phép tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời,” ông Thịnh nói thêm.

Các tin khác