Theo nghiên cứu, mức độ ô nhiễm không khí cao có thể là “một trong những tác nhân chính” ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong do dịch Covid-19.
Từ các số liệu thu thập được, phân tích cho thấy các trường hợp tử vong do Covid-19 trên 66 khu vực hành chính ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Đức thì đến 78% ca tử vong được ghi nhận nằm trong 5 khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất: bốn khu vực ở miền bắc Italy và một khu vực gần Madrid, Tây Ban Nha. Nghiên cứu đã so sánh mức độ NO2 vào tháng 1 và tháng 2 ở 66 khu vực hành chính với số liệu bệnh nhân tử vong do Covid-19 tính đến ngày 19-3.
Ogen đã phát hiện ra 5 khu vực này có mức độ Nitơ Điôxít (NO2) cao - một chất gây ô nhiễm tạo bởi chủ yếu các dòng xe diesel, và điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến quá trình giải tỏa không khí ô nhiễm khỏi thành phố. Ông chỉ ra rằng Thung lũng Po ở Ý và Madrid được bao quanh bởi những ngọn núi, khiến không khí ô nhiễm bị chặn lại, cũng như tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc - nơi đại dịch bắt đầu. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy sự liên kết giữa mức độ phơi nhiễm NO2 với tổn thương sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về phổi, và có thể khiến bệnh nhân có khả năng tử vong cao nếu mắc Covid-19.
Nhà nghiên cứu kết luận: “Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc lâu dài với khí thải này có thể là một trong những tác nhân chính gây tử vong do virus Covid-19 gây ra ở các khu vực này và có thể trên toàn thế giới”. Ông còn cho biết thêm đầu độc môi trường nghĩa là đầu độc cơ thể con người, và khi cơ thể mắc các bệnh hô hấp mãn tính thì khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng tất nhiên sẽ hạn chế. Ông cho biết thêm việc phong tỏa rộng rãi trên khắp thế giới khiến lưu lượng phương tiện đi lại và ô nhiễm không khí giảm. Tuy nhiên, tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm trước đại dịch có thể gây ảnh hưởng nhiều hơn so với mức ô nhiễm hiện tại.
Vào ngày 7-4 vừa qua, một nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Harvard tiến hành cho thấy mật độ cao của các hạt ô nhiễm trong không khí, như bụi mịn, cũng liên quan đến tỷ lệ tử vong do Covid-19.