Đáng nói dự án cải tạo rạch Bàu Trâu đã có từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.
Rác “bủa vây” người dân
Là một chi lưu của kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Bàu Trâu dài khoảng 3 km, chảy từ Q.Tân Phú sang Q.6, đóng vai trò quan trọng cấp 1 trong hệ thống thoát nước chung nhưng đang trong tình trạng gây ngập nước, ô nhiễm nặng nề.
Sau nhiều năm không được duy tu, cộng thêm việc người dân tự đổ đất, xây dựng tạm lấn chiếm lòng rạch, tuyến rạch này có nhiều đoạn đã bị thu hẹp, rác ứ đọng, chặn dòng thoát nước. Đủ loại rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, hộp xốp, xác động vật... nổi lềnh bềnh, bủa vây những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ hai bên bờ kênh.
Nằm trong khu vực có nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất, rạch Bàu Trâu nói riêng, kênh Tân Hóa - Lò Gốm nói chung còn hứng chịu một lượng lớn rác thải công nghiệp, nước thải sản xuất không được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước, môi trường, không khí cũng bị ô nhiễm nặng.
Đáng nói, con rạch này lại len lỏi giữa khu dân cư đông đúc nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân. Chú Hai, đã 4 đời gia đình sinh sống bên con rạch này, cho biết từ sau năm 1975 người dân khu vực phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng nề như thế. Cứ trời nắng lên, rác thải, xác chết động vật lại bốc mùi kinh khủng, không thể chịu nổi. Những nhà sống ngay sát lòng kênh, rạch phải bít cả cửa sổ để hạn chế mùi.
Ghé qua một vài dãy nhà nằm sát hai bên bờ kênh trên địa bàn Q.6, chúng tôi ghi nhận hình ảnh những cây phơi đồ kín quần áo bên trên, rác ủ mùi ngay phía dưới. Chị Nguyễn Thị Kim Hà (41 tuổi), đến trọ tại đây đã hơn 1 năm than phiền rằng, nhà có con nhỏ, từ ngày đến đây ở, em bé bệnh, ho, sổ mũi, phải đưa đi bệnh viện hoài. Nhà chưa đến chục mét vuông mà lúc nào cũng phải bật cả 3 chiếc quạt suốt ngày đêm cho đỡ mùi hôi.
"Phòng cuối ngay sát bờ rạch kia trước cũng có hai mẹ con đến thuê phòng. Đang khỏe mạnh bình thường, dọn đến đây ở được vài tháng thì cả mẹ lẫn con bắt đầu bị viêm xoang nặng, thuốc thang khám chữa suốt ngày, không chịu nổi nên phải dọn đi rồi", chị nói.
Dự án cấp bách cần triển khai ngay
Theo Trung tâm chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt trung tâm), cũng vì tình trạng trên, năm 2008 UBND TP giao trung tâm làm chủ đầu tư nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu đoạn từ kênh Tân Hóa đến kênh Hiệp Tân.
Đến năm 2012, trung tâm có tờ trình thẩm định thiết kế cơ sở dự án và đã được Sở GTVT thông qua hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án, trong đó nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu với chiều dài 1.517 m, bề rộng rạch từ 6 - 8 m, xây dựng bờ kè đứng toàn tuyến, xây dựng đường cảnh quan dọc bờ kênh với quy mô chiều rộng 13 m, lắp đặt cống tròn thu gom nước thải sinh hoạt nhà dân... với tổng mức đầu tư hơn 282 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 tỉ đồng - PV).
Rạch Bàu Trâu là một phần quan trọng trong dự án thành phần 4 là cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án nâng cấp đô thị. Do nhiều yếu tố nên đến nay công tác cải tạo rạch chưa được triển khai. “Sau khi hoàn thành, dự án cải tạo rạch Bàu Trâu góp phần hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả đầu tư của dự án thành phần 4, giúp giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng cho lưu vực rạch Bàu Trâu, cải thiện chất lượng nước và góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường nước.
Để đảm bảo vận hành hiệu quả, đồng bộ dự án thành phần 4, việc đầu tư cải tạo rạch Bàu Trâu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong điều kiện vốn ngân sách TP còn hạn hẹp, các dự án cải thiện môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, việc giao nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) nhằm chia sẻ gánh nặng cho ngân sách TP là cần thiết”, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc trung tâm, cho biết.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, cũng đồng ý với việc triển khai dự án theo chủ trương xã hội hóa và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhằm giảm áp lực cho ngân sách TP. Trong khi đó, Sở KH-ĐT mới đây cũng kiến nghị UBND TP cho thực hiện dự án này theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được tổ chức đấu thầu công khai theo quy định. Các sở ngành khác và đặc biệt là UBND Q.Tân Phú, Q.6 nơi dự án đi qua đều cho rằng đây là một trong số các dự án cấp bách cần được TP thông qua, triển khai ngay trong năm 2018 để giúp chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường và đặc biệt hoàn thành dự án thành phần 4 là cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm theo kế hoạch đề ra trước đó.