
Ở R từng quy tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ lừng lẫy như Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm, Giang Nam, Hoài Vũ, Nguyễn Văn Bổng, Anh Đức, Hồ Bông, Nguyễn Quang Sáng, Huỳnh Phương Đông, Trang Thế Hy, Diệp Minh Tuyền…
Và ở R cũng đã ra đời những ca khúc cách mạng còn mãi đến hôm nay.
Nhạc sĩ Thanh Trúc (tên thật Lâm Quang Măng, 1939-1986) tham gia kháng chiến khi còn rất trẻ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1964, ông vượt Trường Sơn trở lại miền Nam.
Tại R, nhạc sĩ Thanh Trúc viết 2 ca khúc nổi tiếng “Câu hát bông sen” vào năm 1966 và “Người lính già vui vẻ” vào năm 1969. Nếu “Câu hát bông sen” được ca sĩ Tô Lan Phương hát vang khắp chiến trường miền Đông Nam bộ: “Mưa nắng bao năm anh đi trả thù cho non nước. Giặc về phá nát quê ta, nhưng không hết được sen trên đồng ta. Trên đồng ta sen vẫn nở hoa, hai mùa mưa nắng thiết tha, hương thơm càng lộng gió bay xa” thì ca khúc “Người lính già vui vẻ” lại được biểu diễn lần đầu tiên ở miền Tây Nam bộ. Vì sao như vậy?
Khi nhạc sĩ Thanh Trúc vừa viết xong ca khúc “Người lính già vui vẻ”, thì người mẹ của ông từ Cà Mau lặn lội vào chiến khu thăm con trai. Muốn góp một chút lòng thành cho phong trào quê nhà, nhưng sợ người mẹ mang theo ca khúc sẽ bị địch bắt, nên Thanh Trúc đành hướng dẫn mẫu thân học thuộc “Người lính già vui vẻ”.
Sau đó, người mẹ của nhạc sĩ Thanh Trúc đã hát lại “Người lính già vui vẻ” cho nhà văn Nguyễn Hải Tùng - Trưởng đoàn Văn công Quân khu Tây Nam bộ, và ca khúc được phổ biến rộng rãi: “Năm xưa ấy ta lên đường, cầm tầm vông đánh Tây can trường. Nay đi đánh Mỹ xâm lược, già lại gươm súng ra sa trường.
Dầu nay mái tóc hoa râm, mà lòng vẫn thấy thanh xuân. Nợ non sông chưa trả hết, kẻ thù kia chưa quét hết. Đời trẻ trung oanh liệt của chúng ta, là tiếng ca trên đường vui chiến đấu tuổi già”.
Một bậc tiền bối ở R của nhạc sĩ Thanh Trúc cũng có phong cách âm nhạc tươi trẻ là nhạc sĩ Xuân Hồng (tên thật Nguyễn Hồng Xuân, 1928-1996). Năm 1967, khi đang làm Trưởng đoàn văn công Quân giải phóng, nhạc sĩ Xuân Hồng được cử đi học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam.
Tuy nhiên, trước thời điểm ấy, nhạc sĩ Xuân Hồng đã có ba tác phẩm vang dội là ca khúc “Bài ca may áo” viết năm 1960: “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng/Mưa rét run người nắng sẫm màu da/Tấm vải ta làm ra mảnh áo/Là chiến sĩ quyết tâm diệt thù”; ca khúc “Xuân chiến khu” viết năm 1963: “Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi/Chào anh bộ đội thêm một tuổi đời/Mừng anh thêm một tuổi quân/Thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong”; và ca khúc “Chiếc khăn tay” viết năm 1964: “Sáng nay em đi chợ sớm, tìm mua một vuông vải trắng, đem về may chiếc khăn tay/Chỉ hồng thêu tặng người trai, chỉ vàng thêu một cành mai, cùng đôi chim én lượn bay trên cành/Làm quà xuân gửi tặng anh giải phóng quân/Đường chỉ may chẳng được khéo tay/Xin các anh hãy vui lòng nhé”.
Đầu năm 1968, tại Hà Nội, nhạc sĩ Xuân Hồng công bố ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nhanh chóng được công chúng yêu mến.
Trong cuốn hồi ký “Ở R, chuyện kể sau 50 năm” của nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016), có nhắc đến ca khúc này như sau: “Năm 1966, anh Xuân Hồng sang cơ quan chúng tôi chơi ít tháng, trước khi lên đường ra Bắc. Một hôm, anh đến chỗ tôi và Lê Anh Xuân chơi.
Biết tôi biên tập tạp chí Văn nghệ Giải phóng, anh hỏi tôi có bài thơ nào hay, đưa anh phổ nhạc. Tôi nói may quá, tôi vừa nhận được bài thơ ở Tây Nguyên, rõ là của một chiến sĩ, viết trên tờ giấy học trò, chữ xiêu vẹo lem luốc, tên bài thơ là “Sóc Bom Bo”, lời lẽ rất thật thà chất phác.
Tôi đưa anh bài thơ. Mấy năm sau, bài hát được phát, rất nổi tiếng. Tôi chỉ biết vậy thôi, đâu còn nhớ tác giả bài thơ là ai. Mãi về sau, một nhạc sĩ nói với tôi, có nghe là bài hát phổ từ một bài thơ. Tôi nói, đúng như vậy, và ngoài anh Xuân Hồng, người thứ hai biết điều đó là tôi.
Không phải vấn đề bản quyền, anh Xuân Hồng chắc đã quên mất, tôi cũng không để ý, ở trong rừng có in ấn gì đâu. Anh chiến sĩ tác giả bài thơ chắc đã chết, nếu không anh đã tìm đến Hội Nhạc sĩ. Và điều đó cũng thật đẹp, anh đã không còn nữa, nhưng lời thơ của anh được mọi người hát mãi”.
Nói đến các nhạc sĩ ở R, thì nhân vật không thể không nhắc đến là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989). Từ thuở đôi mươi, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã có những bản hùng ca thúc giục thanh niên lên đường cứu nước.
Tại R, sau khi soạn giả Trần Hữu Trang hy sinh năm 1966, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thay thế giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Với phong trào cách mạng miền Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đóng góp hai ca khúc bất hủ “Giải phóng miền Nam” và “Tiến về Sài Gòn”.
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, thì đầu năm 1961 đã có sự đồng hành của ca khúc “Giải phóng miền Nam” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước/Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước/Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời/Sông núi bao nhiêu năm cắt rời/Đây Cửu Long hùng tráng/Đây Trường Sơn vinh quang/Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù/Vai sát vai chung một bóng cờ”.
Ca khúc “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, cũng có nét tương đồng với ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995). Nếu “Tiến về Hà Nội” viết năm 1949 để đến năm 1954 thành hiện thực, thì “Tiến về Sài Gòn” viết năm 1966 để đến năm 1975 thành hiện thực: “Nơi Thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười/ Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày/Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/Sài Gòn ơi ta đã về đây ta đã về đây/Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi/Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ/Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/Hướng về đồng bằng ta tiến về Thành đô/Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này/Tiến về đồng bằng, giải phóng Thành đô”.
Khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, trong thế hệ sáng tác âm nhạc gắn bó với R, chỉ còn duy nhất nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ở tuổi 83. Một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là ca khúc “Qua sông” viết năm 1963, được trao Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng.
Khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã có ca khúc “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn” đầy lạc quan: “Tuổi em vừa tròn đôi mươi mười tám/Em cài mái tóc gọn gàng đi từng bước vững vàng/Trẻ trung đôi mắt em mở to trong vắt hàng me xanh thắm/Ơ hò ơ, thon thon lưng em áo bà ba, vai em căng lên vết hằn da/Nào ai có ngờ chuyển thương tải đạn, chẳng ai khác là em đấy mà”.