Nhưng bước sang tháng 5, thông tin về những dòng xe lắp ráp trong nước đồng loạt lên giá, đã khiến người tiêu dùng lo lắng.
Theo công bố bảng giá xe Mazda tháng 5, mẫu xe Mazda 2 tăng giá lên tới 30 triệu đồng đối với cả 2 phiên bản sedan và hatchback. Cụ thể, phiên bản Mazda 2 sedan tăng giá từ 499 triệu đồng lên 529 triệu đồng; phiên bản Mazda 2 hatchback cũng tăng từ 539 triệu đồng lên 569 triệu đồng. Nằm trong xu hướng tăng giá bán xe, trong tháng 5 này còn có mẫu xe giá rẻ khá ăn khách Cerato của hãng xe Kia.
Theo đó, Kia Cerato 4 cửa 2.0 tăng thêm 6 triệu đồng, lên mức 635 triệu đồng; Cerato bản 1.6L số sàn 4 cửa được điều chỉnh tăng 5 triệu, có giá mới là 530 triệu đồng.
Trước đó, trong tháng 4-2018, hãng Honda bất ngờ tăng giá bán của 4 dòng xe nhập khẩu hưởng thuế 0% từ Thái Lan thêm 5 triệu đồng. Cụ thể, theo bảng giá mới, Honda CR-V có giá bán lẻ dao động từ 963 triệu đồng đến 1,73 tỷ đồng, tùy từng phiên bản. Honda Civic có giá mới dao động từ 763-903 triệu đồng. Mẫu sedan hạng D Honda Accord tăng từ 1,198 tỷ đồng lên 1,203 tỷ đồng. Cuối cùng là mẫu xe đô thị cỡ nhỏ Honda Jazz có giá bán từ 544-624 triệu đồng.
Theo Honda Việt Nam, việc tăng giá bán lần này do phải tính toán lại các yếu tố trong quá trình nhập khẩu xe theo quy định mới của Nghị định 116. Tuy nhiên, hãng lại không cho biết các yếu tố cụ thể này là gì. Một trong những nguyên nhân có thể ngầm hiểu ở đây là do nỗ lực xúc tiến các thủ tục theo yêu cầu để có thể đưa các mẫu xe nhập khẩu về Việt Nam sớm nhất, nhằm đáp ứng sự mong đợi của của các khách hàng.
Một hãng xe Nhật khác cũng điều chỉnh tăng giá bán xe trong tháng 4 là Nissan. Theo đó, 2 mẫu xe ăn khách của hãng xe Nhật này là Nissan Sunny và X-Trail được điều chỉnh tăng 20-25 triệu đồng. Cụ thể, tất cả 5 phiên bản của mẫu SUV X-Trail đều đồng loạt tăng thêm 25 triệu đồng. Giá bán mới của Nissan X-Trail tại đại lý dao động 878 triệu đồng -1,013 tỷ đồng, tùy từng phiên bản. Còn mẫu Nissan Sunny XV được điều chỉnh tăng từ 439 triệu đồng lên 468 triệu đồng.
Bên cạnh đó, trong tháng 4, các chương trình khuyến mại, tặng phụ kiện của Nissan cũng không còn áp dụng…
Hiện nay, 2 trong những yếu tố khiến người tiêu dùng đặt kỳ vọng vào ô tô giá rẻ, là thuế nhập khẩu trong ASEAN về 0% (giá xe có thể giảm tới hơn 20% theo lý thuyết) và thuế nhập linh kiện về 0% để giảm giá thành lắp ráp xe trong nước. Tâm lý chờ đợi với niềm tin ô tô sẽ giảm giá trong năm 2018 khiến sức cầu cuối năm 2017 giảm mạnh. Tuy nhiên, sau cơn bão giảm giá xe để kích cầu cuối năm 2017, giá ô tô đầu năm 2018 bắt đầu đi vào ổn định và có dấu hiệu tăng đồng loạt, đi ngược kỳ vọng giá xe sẽ giảm.
Trong bối cảnh hiện nay, thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố trong cấu thành giá, ngoài thuế nhập khẩu vẫn còn nhiều loại thuế khác. Khi các thuế nhập khẩu giảm, các loại thuế khác chắc chắn phải được điều chỉnh. Bên cạnh đó, các loại lệ phí khác cũng chắc chắn không giảm. Ngoài ra, nguồn cung ứng ô tô hiện nay vẫn chủ yếu lắp ráp và nhập khẩu. Trong khi đó, chi phí lắp ráp xe trong nước hiện vẫn cao hơn so với khu vực 20% và cũng chỉ làm những công đoạn nhất định.
Giấc mơ ô tô giá rẻ của người tiêu dùng sao vẫn mãi xa vời.