Ngày 22/10, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết hầu hết các nước thành viên đã nhất trí ngừng cung cấp tín dụng xuất khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than.
OECD cho biết các quốc gia ủng hộ quyết định trên gồm Australia, Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
OECD, có trụ sở ở Paris (Pháp), định nghĩa các khoản tín dụng xuất khẩu là khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ, tài trợ trực tiếp, bảo lãnh, bảo hiểm hoặc hỗ trợ lãi suất được cung cấp cho bên mua nước ngoài để mua hàng hóa từ các nhà xuất khẩu trong nước.
OECD cho biết lệnh cấm sẽ bao gồm các nhà máy nhiệt điện than mới không có công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Lệnh cấm cũng sẽ bao gồm các nhà máy nhiệt điện than hiện tại trừ khi sử dụng tín dụng xuất khẩu nhằm hạn chế ô nhiễm, không kéo dài tuổi thọ hoặc công suất của nhà máy, hoặc để trang bị nhằm lắp đặt CCUS.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) chuẩn bị diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định tình hình khí hậu hiện nay là "tấm vé một chiều dẫn tới thảm họa," đồng thời nhấn mạnh cần "tránh thất bại" tại sự kiện lần này.
Trước đó, cuộc họp Hội đồng cấp bộ trưởng (MCM) của OECD diễn ra trong hai ngày 5-6/10 đã ra tuyên bố chung, trong đó hối thúc những nỗ lực đầy tham vọng về một thập niên hành động về khí hậu.
OECD quyết tâm đạt được kết quả thành công tại COP26, đồng thời khẳng định cam kết hành động khẩn cấp với mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050, thông qua việc cắt giảm phát thải sâu trong thập niên này để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.