Ý kiến các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đều cho thấy, ổn định tâm lý nhà đầu tư là giải pháp quan trọng để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Phải nhìn nhận rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế và đến nay quy mô chưa đến 15% GDP, tức là còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu đạt 25% GDP vào năm 2030 như kế hoạch đã đề ra. Việc khối lượng phát hành thu hẹp trong thời gian gần đây có nguyên nhân do thay đổi về chính sách, cũng như các biện pháp lành mạnh hoá thị trường của cơ quan chức năng.
Trên Nghị trường Quốc hội vừa qua, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá: “Vừa qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đúng đắn, tôi nghĩ có lẽ là còn chậm nhưng vẫn còn kịp thời để làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế và khôi phục niềm tin đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng tung tin bịa đặt gây hoài nghi về những giải pháp này, đề nghị phải trừng trị thích đáng”.
Những tin đồn sai lệch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến thị trường này trầm lắng từ tháng 3 đến nay, và ảnh hưởng mạnh đến kênh huy động vốn quan trọng này của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ cho rằng: “Cần sớm có giải pháp phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Giai đoạn vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65, cơ bản giải quyết được những bất cập của Nghị định cũ trước đó là 153. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có các động thái để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư đã bị mất trong thời gian vừa qua để khôi phục sớm lại hai thị trường này để cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế".
Bên cạnh các nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp hiện nay, vẫn còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp, coi đầu tư trái phiếu là công cụ ngắn hạn như gửi tiết kiệm, chứ chưa xác định đúng tính chất kênh dẫn vốn dài hạn này của doanh nghiệp. Do đó, trước động thái lành mạnh hóa thị trường của cơ quan chức năng, nhà đầu tư cá nhân đã có tâm lý hoang mang, từ đó tác động tiêu cực chung đến cả thị trường.Thực tế, trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn hiệu quả, thậm chí giữa bối cảnh thị trường rung lắc mạnh, nhiều trái phiếu doanh nghiệp có mức chiết khấu hấp dẫn đã thu hút nhà đầu tư mua vào.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia phân tích, Công ty chứng khoán TCBS chia sẻ: “Một điểm thú vị mà TCBS quan sát trên thị trường trong 3 tháng vừa qua, đó là sự quan tâm của thị trường với trái phiếu niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành và các trái phiếu có thời hạn ngắn. Nhu cầu nhà đầu tư mua trái phiếu nhóm này khoảng 300-400 tỷ đồng/ngày. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư không chỉ rút khỏi thị trường trái phiếu mà còn nhanh nhạy rút tiền ở các kênh đầu tư khác để mua vào trái phiếu doanh nghiệp niêm yết khi mức chiết khấu đã xuống ở mức giá hấp dẫn”.
Như vậy, xu thế phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là tất yếu. Điều mà chúng ta cần là phát triển thị trường ổn định, bền vững, bởi đây không chỉ là kênh huy động vốn, đầu tư mà còn tạo ra sự bền vững trong hệ thống tài chính của Việt Nam. Chắc chắn, các vấn đề đang được xử lý sẽ tăng cường tính lành mạnh, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần nâng cao hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp.
Với nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp và có dòng tiền ngắn hạn nhưng vẫn muốn đầu tư vào trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn các kênh đầu tư khác, thì vẫn có thể tham gia thị trường này bằng cách đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp./.
Về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chuyên gia nhận định, có thể cần thời gian 1 - 2 quý tới để làm quen với quy định mới về lành mạnh hóa thị trường. Mới đây, Nghị định 65 năm 2022 của Chính phủ đã chỉnh sửa hạn chế, bất cấp liên quan tới quy định pháp lý về phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo hướng lành mạnh hoá thị trường. Cụ thể, đã khắc phục được vấn đề 3 không liên quan tới trái phiếu phát hành riêng lẻ: đó là không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản thế chấp và không có bảo lãnh.
Những quy định pháp lý này cũng như thực tiễn triển khai đã tạo lại niềm tin với thị trường, bởi mặc dù có sự rung lắc khá mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng không phải với tất cả các loại trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp có uy tín, thông qua hệ thống phân phối chuyên nghiệp, vẫn đặc biệt có sự hấp dẫn khi nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro và cân đối được giữa rủi ro với lợi nhuận, lãi suất mà họ thu được, kể cả rủi ro kỳ hạn. Đây là xu thế, là cơ sở và là căn cứ để giúp thị trường hồi phục, duy trì tốc độ phát triển cao, đồng thời đảm bảo sự ổn định, bền vững trong thời gian tới.