Những ngã rẽ cuộc đời
PHÓNG VIÊN: - Nghe nói khởi nghiệp của ông từ một thợ chế tác vàng bạc?
Ông TỪ VĂN PHƯỚC: - Đúng là tôi sinh ra trong gia đình có ngành nghề truyền thống là kinh doanh vàng bạc, đúc phế liệu kim loại màu tại Đà Nẵng. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi theo mẹ vào TPHCM. Thời niên thiếu tôi vừa học vừa làm và bắt đầu khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực.
Cha tôi từng dạy cái gì sinh lợi mà không ai làm thì mình làm, dù lợi nhuận ít nhưng lấy được số đông. Thời trai trẻ tôi đã từng mở vựa phế liệu, có chút vốn tôi mở thêm nhà máy nhựa, túi nilon, nhưng vẫn không quên nghề truyền thống là chế tác vàng bạc đá quý. Hồi đó gia đình tôi đã từng là đại lý thứ 13 của thương hiệu vàng bạc đá quý SJC.
Những lúc rảnh rỗi hay về đêm, tôi thường nghiên cứu sử sách, đặc biệt là bộ “Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ” để nắm bắt thêm nhiều kiến thức chuyên sâu, từ đó tham gia chế tác, khôi phục “Lá ngọc cành vàng” bằng vàng thật cho nhiều công trình văn hóa mà lâu nay chỉ là đồ giả. Cũng từ đó, tôi đem nghề phục chế này phục vụ cho việc kinh doanh của mình, như chế tác các Khánh vàng - một sản phẩm rất ưa chuộng trước đây của người miền Nam.
Một cuộc trò chuyện thân tình với ĐTTC, chúng tôi mới cảm nhận ông là người rất hoạt ngôn, có trí nhớ rất tốt, am hiểu nhiều lĩnh vực, vừa làm thầy (ông chủ) nhưng cũng rất giỏi làm thợ. Ông thao thao bất tuyệt kể về cuộc đời và sự nghiệp, cách thức kinh doanh từ hai bàn tay trắng, chi li của người làm thợ, những tuyệt chiêu lấy lòng khách hàng cũng như cái tâm trong kinh doanh… |
- Đã làm kinh doanh phải biết nắm bắt cơ hội và tận dụng thời cơ. Đó là vào năm 2003, trong lúc tìm thuê mặt bằng để dời nhà xưởng, tôi nảy sinh ra ý tưởng mở trạm dừng chân, và cũng từ đó trong đầu tôi bắt đầu nhận ra kinh doanh gắn liền với BĐS.
Sau những thương vụ mua bán, chuyển nhượng nhà tại Phú Mỹ Hưng thành công, tôi tiếp tục săn thêm nhiều quỹ đất ven biển tại Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng... Và cũng từ đó đến nay, công việc kinh doanh nghiêng hẳn sang lĩnh vực kinh doanh - đầu tư BĐS du lịch.
Thực ra khi kết hợp đi du lịch nghỉ ngơi và tìm hiểu môi trường kinh doanh, tôi qua nhiều nước có thị trường du lịch phát triển, nhận thấy quỹ đất ven biển của họ dường như đã được khai thác triệt để và rất hiệu quả. Khi về nước tôi quyết định bán rất nhiều BĐS của mình ở TPHCM lấy tiền đầu tư mua đất ven biển để làm BĐS du lịch - nghỉ dưỡng.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, tôi đã mua lại dự án ven bãi biển Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, hay còn gọi là khu du lịch Mũi Kê Gà) để phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng đầu tay mang tên Fongtel (Phong Thủy). Cùng với Fongtel, rất nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư khác mọc lên như nấm trong giai đoạn 2007-2008.

Kiên trì để hái quả ngọt
- Nhưng thời điểm đó việc công bố quy hoạch xây dựng cảng bouxite tại Mũi Kê Gà đã khiến hàng chục khu resort ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đóng cửa?
- Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, tôi bị “đắm chìm trong khó khăn” suốt 5 năm do ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà, cùng lúc thị trường BĐS đóng băng, rồi Nghị quyết 11 (thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế tín dụng vào BĐS và xem BĐS là phi sản xuất).
Tuy vậy, trong cái rủi có cái may, đó là đất làm dự án pháp lý chưa rõ ràng, có chủ quyền nhưng không vay được do “dính” Nghị quyết 11. Chính vì vậy cho đến nay khi 11 dự án của tôi pháp lý đã hoàn thiện, rất nhiều ngân hàng “săn” để cho vay, trong khi các doanh nghiệp khác lại đối mặt với áp lực tài sản bị ngân hàng đem ra phát mãi vì họ đã xây dựng.

Năm 2014, Chính phủ cho dừng dự án cảng Kê Gà, lúc này tôi bắt đầu dồn nguồn lực đầu tư vào Khu đô thị thương mại - giải trí - sinh thái Aloha với quy mô 15ha, tổng vốn đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng. Aloha bao gồm quần thể dự án ven biển Thuận Quý với những khu resort, trung tâm thương mại, 58 shophouse, 300 condotel, khách sạn 4 sao với 3.200 căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4 sao quốc tế.
Đặc biệt có khu vui chơi giải trí cao cấp, sân tennis, hồ bơi, beer club, rạp chiếu phim và trung tâm hội nghị quốc tế, đài quan sát với biểu tượng đặc sản nông nghiệp vùng, đó là trái thanh long…
- Như ông nói các dự án hàng ngàn tỷ đồng của ông không vay vốn ngân hàng, vậy vốn lấy từ đâu? Trong khi đó thị trường du lịch Mũi Né-Phan Thiết đến nay gần như bão hòa?
- Đúng là thị trường du lịch ở Mũi Né hiện nay đã bão hòa, nhưng vẫn thiếu những trung tâm thương mại tập trung, những điểm vui chơi giải trí “đặc thù” phục vụ du khách. Trong khi đó, dọc bãi biển Thuận Quý tuyệt đẹp, dù resort rất nhiều nhưng mỗi resort chỉ có 50-60 phòng, đầu tư cũng chỉ cầm chừng. Và như tôi nói, thiếu các loại hình dịch vụ nên khó thu hút khách đến, kéo theo nhà đầu tư ngại bỏ vốn. Vòng luẩn quẩn này làm nơi đây khó phát triển.
Vì vậy, Aloha sẽ giải quyết tất cả những hạn chế này: đáp ứng cơ số phòng rất lớn để phục vụ những tour du lịch dành cho công nhân ở các công ty lên đến 500-700 người; giá thuê chỉ bằng 1/3 ở Mũi Né; hàng trăm tiện ích tập trung; trung tâm thương mại với đa dạng mặt hàng; trung tâm hội nghị, khán phòng phục vụ với số lượng từ 500-1.000 người... Còn nói về vốn, hiện nay tôi được quỹ Hoàng Kiều tại Hoa Kỳ hỗ trợ.
Hiện nay, dọc bãi biển Thuận Quý, dù việc thỏa thuận đền bù giữa Tập đoàn TKV với các chủ resort vẫn chưa đạt kết quả, nhưng phần lớn đang tái khởi động để đưa vào kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng ráo riết mời doanh nghiệp họp, tìm giải pháp, động viên, hỗ trợ.
Với sự chuyển động như vậy, tôi khẳng định triển vọng của Aloha rất sáng sủa, bởi dự án được xem là động lực, là đòn bẩy để kích hoạt thị trường du lịch dọc bãi biển Thuận Quý của huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Khi công trình Aloha hoàn thành, Bình Thuận sẽ có thêm những công trình du lịch đẳng cấp thu hút khách du lịch, nâng cao hình ảnh của một đô thị biển.
- Xin cảm ơn ông.
Ngoài Aloha, một dự án khác mà Việt-Úc đã theo đuổi 11 năm và đang trong giai đoạn hoàn tất pháp lý là Mỏ khoáng nóng Bưng Thị (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam), quy mô 187ha. Tháng 8-2017, tỉnh Bình Thuận có chủ trương kêu gọi đầu tư rộng rãi và đưa ra 12 tiêu chí xét chọn (kinh nghiệm làm du lịch, đã đầu tư tại địa phương, chưa vi phạm về cơ chế sử dụng đất, vốn tự có cao hơn vốn sở hữu...). Việt-Úc là đơn vị cuối cùng đáp ứng cả 12 tiêu chí và đang chờ UBND tỉnh ra văn bản chấp thuận đầu tư để thực hiện các bước đầu tư. Ngoài mỏ khoáng nóng độc đáo, quý hiếm tạo điểm nhấn thu hút du khách, doanh nhân Từ Văn Phước cho biết sẽ biến nơi đây thành một safari, bảo tồn những loại động vật quý hiếm, trồng các loại kỳ hoa dị thảo, tái tạo những làng châu Âu... |