1. Trước khi bấm máy để gọi điện cho ông, tôi thầm nhủ có lẽ khó gặp được ông thời điểm này, bởi lẽ đây là lúc những nhân chứng sống hiếm hoi như ông hẳn đang bị "săn lùng" ráo riết bởi giới truyền thông cũng như bị "bủa vây" trong lịch trình dày đặc những cuộc hội thảo, tọa đàm. Bởi năm nay là năm chẵn kỷ niệm 50 năm (27-1-1973 - 27-1-2023) ngày ký kết Hiệp định Paris. Nhưng trái ngược với dự đoán của tôi, ở đầu bên kia điện thoại, ông nói ngay: Hẹn gặp cậu lúc 2 giờ chiều nay ở nhà riêng nhé. Rồi ông nhắn tin lại cho tôi về thời gian, địa chỉ cụ thể.
Đúng 2 giờ chiều, tôi đến địa chỉ nơi ông đã nhắn tin. Đó là khu tập thể Thành Công cũ kỹ nép mình bên phố Nguyên Hồng. Nhà ông ở tầng 5, căn cuối cùng trong lối đi. Mở cửa cho tôi là ông cụ cao gầy, quắc thước và rất nhanh nhẹn. Thoạt trông, không ai nghĩ ông đã ở cái tuổi sắp 90. "Không sao, cứ đi cả giày vào, tôi sống một mình ở đây thôi" - ông cười niềm nở. Căn phòng khách của căn hộ tập thể rộng chừng 15m2 tràn ngập những sách và ảnh. Nó như một kho lưu trữ ký ức và thời gian về những năm tháng cuộc đời làm trong ngành ngoại giao của chủ nhân.
"Ngày xưa khu này là nhất Hà Nội đấy" - ông vừa cười, vừa xếp lại đống sách báo trên bàn. Ông nói tiếp: "Chiều nay nếu không có hẹn với cậu tôi đi bơi đấy". "Bác vẫn còn bơi được?" - tôi ngạc nhiên vì Hà Nội những ngày giáp Tết Nguyên đán rét và mưa phùn. "Tôi bơi trong hồ bơi trong nhà, có điều hòa nhiệt độ, ấm và ổn định. Trước kia, tôi bơi mỗi ngày 5km. Nay sức khỏe giảm, nên mỗi ngày chỉ bơi được 2km. Hôm nào không đi bơi tôi đánh bóng bàn, cầu lông". Nghe ông nói, tôi thầm thán phục ông già "gân" trước mặt mình.
Không đi ngay vào câu chuyện Hiệp định Paris, ông bắt đầu từ chuyện gia đình mình, tuổi thơ của mình, quá trình tự học ngoại ngữ thế nào và rồi bén duyên với ngành ngoại giao ra sao. Năm 1968, khi làm phiên dịch cho Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris, ông mới 33 tuổi, nằm trong số trẻ nhất đoàn. “Bác học ngoại ngữ ở đâu và từ khi nào?” - tôi hỏi. “Tôi tự học. Thế hệ chúng tôi phần lớn đều phải tự học cả, làm gì được đào tạo trường lớp như bây giờ” - ông nói.
Hóa ra ông không chỉ giỏi tiếng Anh, còn rất thông thạo tiếng Trung, tiếng Pháp và cả tiếng Nga. Khi được hỏi phiên dịch trong một hội nghị đặc biệt quan trọng như Hội nghị Paris, với những cuộc đàm phán đấu trí cân não, cách dịch của ông như thế nào, ông nói dịch thoát ý, dịch theo ý. Theo ông, người phiên dịch không chỉ có vai trò dịch, còn phải hiểu biết, có phông văn hóa rộng mới có thể diễn đạt lại thanh thoát, trôi chảy các diễn ngôn.
Cũng nhờ lối dịch của ông, phía Mỹ đã hiểu rõ hơn quan điểm của Việt Nam, nhất là các nội dung có tính quyết định trong đàm phán. Các bản chép tay tốc ký để dịch của ông trong các cuộc đàm phán, sau mỗi cuộc họp, đều được thu lại và nằm trong số các tài liệu quan trọng ông Lê Đức Thọ đem về nước để báo cáo với Bộ Chính trị. Về sau, ông mới được biết nhiều bản ghi tốc ký của ông được xếp vào loại tài liệu tuyệt mật.
2. Các cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris đi vào thế giằng co và bế tắc. Phía Việt Nam kiên quyết giữ vững lập trường của mình đó là người Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, còn phía Mỹ ngoan cố. Sự ngoan cố của phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) còn thể hiện từ trước đó, ngay giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị.
Ông kể, lúc đầu, Mỹ và VNCH đều không công nhận phái đoàn đàm phán đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN). Họ tuyên bố chỉ đàm phán với phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH. Họ cũng không công nhận đại diện phái đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN.
Nhưng chúng ta có cách ứng phó. Trưởng phái đoàn đàm phán của VNDCCH là Bộ trưởng Xuân Thủy không phát biểu trước, thay vào đó để bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN phát biểu trước. Thoạt đầu phía Mỹ và VNCH đều không lắng nghe bà Bình nói, nhưng sau nhiều lần như vậy, họ đã buộc phải nghe. Sự thành công của ngoại giao này cho thấy 2 đoàn Chính phủ VNDCCH và CMLTCHMNVN đã thể hiện vai trò đúng từng thời điểm và tùy hoàn cảnh đàm phán.
Nhưng không phải không có người Mỹ yêu chuộng hòa bình và có thành ý với Việt Nam, và ngay trong đoàn đàm phán của Mỹ cũng có những người như thế. Ông kể, khi đàm phán, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VNDCCH là ông Nguyễn Cơ Thạch đã đặc biệt chú ý đến một người là trợ lý về pháp lý, đại diện cho Quốc hội Mỹ trong đoàn đàm phán của Mỹ.
Ông Thạch nói với ông hãy chú ý người này. Lúc nghỉ giải lao giữa cuộc đàm phán, khi dùng cà phê ngoài hành lang, ông đã đứng trò chuyện với người này. Vị đại diện cho Quốc hội Mỹ đã nói với tôi: “Ở Mỹ, khi sang đây đàm phán với các ông, con trai tôi nói với tôi: Bố ơi con không muốn có chiến tranh, con muốn hòa bình. Tôi kể chuyện này với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Thạch cười tươi bảo: Thế là tín hiệu tốt rồi”.
Ông kể: Về sau, tôi mới được biết, ông Thạch chú ý đến thành viên đại diện pháp lý cho Quốc hội Mỹ trong đoàn đàm phán, vì ông muốn qua thái độ của ông ta để đoán thái độ của Quốc hội Mỹ đối với Hội nghị Paris, với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Lời nói của vị đại diện Quốc hội Mỹ bên hành lang có thể xem là tín hiệu ngầm của Quốc hội Mỹ, rằng họ đã quá mệt mỏi, họ không muốn kéo dài thêm cuộc chiến. Nhận định này đã được chứng minh chính xác. Sau Hiệp định Paris 1973, Quốc hội Mỹ đã cắt giảm các khoản viện trợ khổng lồ cho VNCH.
Ông nói thêm: “Vào thời điểm ấy, việc nắm bắt và giải mã được “tín hiệu ngầm” trên của Quốc hội Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng trong đàm phán của phía chúng ta. Đó là chúng ta càng kiên quyết chủ động tấn công trên bàn ngoại giao, bảo vệ vững chắc lập trường và quan điểm đúng đắn của mình, khiến Mỹ phải xuống thang và chấp thuận các điều khoản ta đưa ra, đi đến ký kết hiệp định.