Theo chia sẻ của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa trong 5 năm qua luôn đạt ở mức 2 con số từ 12-15%/năm. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, cộng đồng các quốc gia Châu Âu, Nhật, Úc.
Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhựa đó là bao bì, các loại tấm, phiến, màng, các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí, vải bạt tarpauline. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%.
Tuy nhiên, ngành nhựa hiện vẫn phải nhập phần lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Cụ thể, nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn quốc, Thái Lan, Nhật, Mỹ, Trung quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore.
Ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD trong năm 2022.
Song hành với việc tổng kết lại hoạt động của ngành trong 5 năm qua, đại hội lần này cũng bầu ra ban chấp hành mới. Theo đó, ông Hồ Đức Lam tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII.