Thay vì lấy lạm phát làm mục tiêu, có nên chuyển sang lấy tăng trưởng GDP danh nghĩa làm mục tiêu?
![]() |
Hơn một thập niên trước, GS. Kinh tế Ben Bernanke từ Đại học Princeton kêu gọi NHTW Nhật Bản thực hiện “giải pháp kiểu Roosevelt” và hành động mạnh mẽ hơn vì tổng cầu danh nghĩa của Nhật Bản “đang tăng trưởng quá chậm”. Có lẽ ấy cũng là lời cảnh báo sớm cho chính ông vì nay Bernanke đã là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).
Chiểu theo lạm phát FED đang làm việc tương đối tốt. Nhưng nếu nhìn theo tiêu chí mà Bernanke từng dùng để đánh giá nền kinh tế Nhật Bản hồi cuối thập niên 90 rõ ràng tổ chức này đang đi sai đường. GDP danh nghĩa của Hoa Kỳ(tức GDP chưa điều chỉnh lạm phát) giảm mạnh thời suy thoái và nay thấp hơn 12% so với mức sản lượng tiềm năng.
GDP danh nghĩa giảm gây ra nhiều tác hại. Nợ công và tư tăng vì khả năng trả nợ của hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ phụ thuộc vào thu nhập và doanh thu danh nghĩa của họ.
Chuyển “ống ngắm”
Mức chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát và GDP danh nghĩa lớn đến nỗi một số nhà kinh tế như Scott Sumner từ Đại học Bentley đang khơi lại một ý tưởng đã cũ. Họ kêu gọi NHTW chuyển mục tiêu của mình. Thay vì điều hành chính sách tiền tệ nhắm tới mức lạm phát mục tiêu (như 20 năm qua), NNTW nên nhắm tới mức GDP danh nghĩa (hay NGDP, nominal GDP).
Khi thi hành NGDP mục tiêu, NHTW sẽ tự đặt ra hoặc được giao chỉ tiêu tăng trưởng, tốt nhất là 4-5%/năm. Con số này ở phần lớn các nước giàu tương ứng với mức lạm phát mục tiêu khoảng 2% vốn đã được chấp nhận rộng rãi và mức tăng trưởng tiềm năng 2-3%.
Chính sách tiền tệ cũng sẽ vận hành như hiện nay, nới lỏng khi tăng trưởng GDP danh nghĩa chậm và thắt chặt khi tăng trưởng nóng. Nếu GDP danh nghĩa trong một năm xuống dưới mức tiềm năng, NHTW sẽ bù đắp cho phần hụt này trong năm tiếp theo. Tỷ lệ giữa lạm phát và tăng trưởng thực tế sẽ thay đổi theo từng năm.
Các công cụ của NHTW vẫn vậy: điều chỉnh lãi suất ngắn hạn khi bình thường và vận dụng các các biện pháp bất thường như nới lỏng định lượng (tạo tiền để mua tài sản) khi lãi suất xuống đến gần mức 0 như hiện nay.
Hai “kính ngắm”, nhìn rõ hơn
Cái khác nằm ở thông điệp của “mục tiêu” mới này. Hiện nay NHTW nào lấy mục tiêu là GDP danh nghĩa sẽ nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn nhiều. Ông Sumner tính toán rằng chỉ riêng cam kết một mức GDP danh nghĩa mục tiêu đã giúp thúc đẩy nền kinh tế; nếu không, ắt hẳn FED sẽ phải tiếp tục nới lỏng định lượng cho tới khi đạt được mức mục tiêu.
Những người chủ trương sử dụng GDP danh nghĩa mục tiêu cho rằng làm vậy kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn. Khi suy thoái, sản lượng thực tế giảm nhưng giá thường điều chỉnh chậm hơn. Điều đó có nghĩa là khi lấy GDP danh nghĩa làm mục tiêu, NHTW có thể giảm thiểu các biến động sản lượng tốt hơn.
Họ cũng có thể phản ứng phù hợp hơn trước các cú sốc về phía cung. Thí dụ như khi nền kinh tế gặp một cú sốc cung tiêu cực như giá dầu tăng khiến sản lượng giảm và lạm phát tăng. NHTW lấy lạm phát làm mục tiêu sẽ thấy buộc phải thắt chặt tiền tệ, khiến sản lượng giảm mạnh thêm, trong khi NHTW lấy NGDP làm mục tiêu lại linh hoạt hơn.
Trong trường hợp ngược lại, khi có cú sốc cung tích cực như công nghệ mới giúp cải thiện năng suất, thúc đẩy tăng trưởng GDP thực tế và giảm lạm phát. NHTW lấy lạm phát làm mục tiêu sẽ nới lỏng tiền tệ, tạo ra bong bóng tài sản, trong khi NHTW lấy NGDP làm mục tiêu sẽ ngồi im. Chắc chắn lạm phát sẽ có nhiều biến động hơn nhưng tổng thể toàn nền kinh tế lại ổn định hơn.
Với những người cho rằng ổn định giá là nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách kinh tế (và với những ai vẫn còn nhớ tới thập niên 1970 khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát), khó có thể chấp nhận một cơ chế nào làm tăng lạm phát dài hạn.
Dù vậy, lấy tăng trưởng GDP danh nghĩa làm mục tiêu vẫn kiềm chế được lạm phát. Và nâng tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ khiến nền kinh tế tiến gần hơn tới mức tiềm năng và giảm thất nghiệp.
Một số nhà quan sát nghi ngờ rằng NHTW Anh BOE gần đây đã ngầm lấy GDP danh nghĩa làm mục tiêu. Lý do là BOE đã liên tục để lạm phát vượt mức mục tiêu trong khi tăng trưởng GDP danh nghĩa ở Anh lại tương đối ổn định.
Chỉ e “bắn” vẫn “trượt”
Bất chấp những lợi thế trên lý thuyết kể trên, chuyển mục tiêu sang GDP danh nghĩa sẽ làm nảy sinh một số vấn đề cả cũ lẫn mới.
Kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2007, FED không hề ngồi yên, ấy vậy mà tổ chức này vẫn chưa thể đạt được “mục tiêu mới” của mình (tức NGDP).
Hơn nữa, lý thuyết về lạm phát mục tiêu đã tồn tại rất vững chắc: nhờ “neo” kỳ vọng của doanh nghiệp và hộ gia đình, NHTW khuyến khích họ điều chỉnh lương và giá phù hợp với mức lạm phát mục tiêu. Cái neo này cho phép NHTW không phải bận tâm trước những đột biến mang tính thời điểm của lạm phát do giá hàng hóa cơ bản gây ra.
Người ta lo ngại lấy NGDP làm mục tiêu sẽ khó kiểm soát được kỳ vọng thị trường, đặc biệt là vì GDP danh nghĩa phức tạp hơn và ít được tính toán hơn.
Nguy cơ lớn nhất là mất niềm tin. Dù điểm yếu có là gì thì lạm phát mục tiêu đã tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trong vòng hai thập kỷ qua. Các NHTW ở Anh và Mỹ ít nhất đã tránh được cảnh giảm phát như Nhật Bản (khiến nợ thực tế tăng và quá trình giảm nợ kéo dài hơn).
Yêu cầu các NHTW từ bỏ lạm phát mục tiêu để theo đuổi một “mục tiêu” mới có thể lợi bất cập hại, đặc biệt là nếu điều đó khiến thị trường thêm bất an về cam kết tối cao của NHTW: thận trọng và ổn định. Đó là lý do vì sao chuyển mục tiêu sang GDP danh nghĩa, dù có lợi đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể khinh suất.