Xét tính chất mức độ vụ án, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, lời khai tại tòa, lời bào chữa, hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Hùng 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ” quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Phạt bổ sung 80 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) 27 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại điều 365 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) 10 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng. 3 cựu cán bộ quản lý thị trường bị phạt từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 24 tháng tù treo đến 6 năm tù.
Theo nhận định của HĐXX, sau khi nghiên cứu hồ sơ và xem xét lời khai của người liên quan, nhận thấy những chứng cứ không đủ căn cứ cho rằng bị cáo Hùng có chứng cứ ngoại phạm. Từ đó, tòa kết luận bị cáo Trần Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận khai không đúng bản chất sự việc để Thuận không bị xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật. Sau đó, Trần Hùng nhận 300 triệu đồng từ Thuận thông qua người môi giới.
Các bị cáo đứng nghe tuyên án sáng 27-7
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo Hùng kêu oan và cho rằng mình không nhận hối lộ 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải. Bị cáo Hùng còn cho rằng mình không có vai trò chính trong việc xử lý vụ việc sách giả tại Công ty Phú Hưng Phát.
Về việc này, HĐXX cho rằng Hùng là người có nhiệm vụ tham mưu, thu thập thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy, bị cáo là người có chức vụ quyền hạn.
Trong khi đó, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm đã có hành vi in, sản xuất, tiêu thụ hàng triệu cuốn sách giả có tổng trị giá hơn 260 tỷ đồng. Sau đó, nhóm này tổ chức tiêu thụ trót lọt trên 6,3 triệu sách giả. Trong vụ án, Thuận là người chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Theo hồ sơ, trong vụ việc tại Công ty Phú Hưng Phát, năm 2020, sau khi tiếp nhận nguồn tin báo, bị cáo Trần Hùng chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 17 xác minh. Sau đó, có văn bản báo cáo và đề xuất kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Cao Thị Minh Thuận để xử lý nếu có căn cứ.
Sau khi bị thu giữ hơn 27.300 sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, Cao Thị Minh Thuận gọi điện thoại cho Hùng, rồi thông qua Nguyễn Duy Hải xin gặp Hùng. Tại một quán cà phê ở Hà Nội, Hải đã đặt vấn đề đưa tiền cho Hùng nhằm bỏ qua vi phạm cho Công ty Phú Hưng Phát.
Quá trình tiếp xúc, Trần Hùng nói với Hải về nhắn bà Thuận thay đổi lời khai đối với nguồn gốc số sách đã bị phát hiện, chuyển thành sách do người khác ký gửi. Trần Hùng còn chỉ đạo Lê Việt Phương tư vấn cho Thuận thay đổi lời khai. Sau đó, Hùng nhận tiền rồi làm thay đổi bản chất vụ việc vi phạm liên quan sổ sách của Công ty Phú Hưng Phát.
Xét lời khai của bị cáo Hải, HĐXX thấy phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra và lời khai của những bị cáo, cá nhân khác có liên quan. Tại tòa, bị cáo Hùng đưa ra chứng cứ ngoại phạm, trong đó có 2 bức ảnh bị cáo đang ở nhà riêng tại thời điểm Hải khai là gặp Hùng tại nơi làm việc.