Từ một đứa trẻ ông đã từng phải làm nhiều công việc mưu sinh khắp mọi nẻo đường phố Sài Gòn, Đà Nẵng bằng nghề đánh giày, bán báo…
Trải qua những tháng ngày phiêu bạt mưu sinh gian khổ, ông Cường cũng đổi đời và tiếp nối nghề của gia tộc săn và mua đồ cổ. Hơn 45 năm dày công sưu tầm, hiện kho cổ vật do Hoàng Văn Cường nắm giữ đã lên đến gần 2.000 món, một công trình rất đồ sộ, phong phú và đa dạng với từng chủ đề riêng biệt của Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… có niên đại từ thế kỷ thứ 6 đến thời nhà Nguyễn.
Tôi có dịp được ông Hoàng Văn Cường trực tiếp cho mục sở thị những món cổ vật quý hiếm đang trưng bày tại tư gia trên đường Đông Du và Bùi Viện, (quận 1, TPHCM). Lạc vào kho đồ cổ đồ sộ trưng bày ở 7-8 tầng lầu, tôi thật sự choáng ngợp và hoa mắt trước vô số món đồ xa lạ với mình.
Là một người gốc Huế, trong quá trình sưu tầm, ông rất quan tâm và hứng thú với đồ ngự dụng, tức đồ vua dùng cũng như đồ do vua ban tặng cho các thành viên trong hoàng gia hoặc bậc công thần. Dĩ nhiên những món đồ này có giá trị hàng triệu USD.
Ông Hoàng Văn Cường bên chiếc sập ba thành có tuổi đời hơn 300 năm được làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi, có người trả giá 2 triệu USD.
Đầu tiên phải kể đến bộ sập 300 năm tuổi nguồn gốc từ Trung Quốc. Chiếc sập làm nguyên miếng bằng gỗ lệ chi (cây vải có tuổi hàng ngàn năm), chạm khắc rất tinh xảo, ngày xưa dành cho quan lại hút thuốc phiện. Ông cho biết đã mua chiếc sập này vào năm 1976 ở tận Hà Tiên với giá 5 cây vàng. Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá là có một không hai và đã có người trả 2 triệu USD.
Tiếp đó là bức chấn phong của vua Khải Định. Theo ông Cường, bức chấn phong được làm bằng chất liệu gỗ trắc, chạm thủ công 9 con rồng rất tinh xảo, ngày xưa đặt trong phòng làm việc hoặc phòng khách, nơi vua tiếp các đoàn ngoại giao, trình quốc thư. Sau năm 1968, kinh thành Huế bị hư hỏng nặng, mẹ của vua Bảo Đại là bà Từ Cung đã đứng ra đấu giá lấy tiền trùng tu, sửa sang lại đại nội Huế, nhờ đó ông Hoàng Văn Cường may mắn có được bức chấn phong này.
Trong các món đồ ngự dụng ông Hoàng Văn Cường đang nắm giữ còn bộ giường gỗ trắc của Từ Dụ Hoàng thái hậu. Chiếc giường được chạm xà cừ công phu, tinh xảo được ông mua từ một gia đình ở Gò Công vào năm 1966.
Ngoài ra còn bộ trường kỷ của vua Khải Định; chiếc long sàng dành cho ấu chúa thời Vua Tự Đức, bộ sắc phong của vua Tự Đức, chiếc long sàng vua Chiêm Thành tặng vua Gia Long; các món đồ gốm sứ có men màu lam, những chỉ dụ của vua hay những cây đèn được chạm khắc cầu kỳ...
Ngoài ra, ông Cường đang sở hữu nhiều cổ vật gốm sứ khai quật từ Hoàng thành Thăng Long, gốm Óc Eo. Đặc biệt vào năm 1980, khi biết ngư dân tại Đà Năng vớt được gốm Chu Đậu (thuộc thế kỷ 14-15) từ con tàu bị đắm trên biển, ông Cường đã liên hệ mua lại với số lượng lớn.
Ông Cường tâm sự: “Đồ cổ là những thứ luôn bị các quốc gia xâm lược săn lùng, cùng với việc vơ vét tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Vì vậy đến nay những cổ vật còn lại không nhiều. Gia đình tôi có truyền thống 3 đời buôn bán đồ cổ, nhưng cuối cùng không để lại được gì cho con cháu. Chính vì vậy, hơn 40 năm qua tôi đi khắp nơi lùng sục, sưu tầm, mua lại những món cổ vật quý vừa để ngắm vừa gìn giữ cho đời sau. Dù đã từng có nhiều đại gia tìm đến thuyết phục mua lại với giá cao, nhưng tôi chưa từng bán bất kỳ một món nào, vì tin đó là hồn cốt dân tộc, là báu vật quốc gia”. Và có lẽ chính sự khác biệt này khiến nhiều tay chơi đồ cổ nể phục, tôn vinh Hoàng Văn Cường như ông vua đồ cổ.
Để sở hữu một kho cổ vật đồ sồ như hiện nay, không bán mà vẫn tiếp tục mua thêm, ông Cường đã phải bỏ ra một số tiền khủng. Theo lý giải của ông, nguồn tiền này ông tích lũy được từ việc cho thuê 4-5 căn nhà. Hiện khối gia sản cổ vật của ông đang ngày một lớn dần, 5 căn nhà ông đang triển lãm miễn phí cũng đang trở nên chật chội.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, khối tài sản của ông vua đồ cổ Hoàng Văn Cường hiện có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Vì vậy, tâm nguyện của ông là muốn xây dựng một bảo tàng đồ cổ tư nhân mang tên mình, qua đó thành lập câu lạc bộ đồ cổ và tạo ra sân chơi cho những người cùng đam mê, đồng thời phục vụ du khách tham quan.