Panama - Xa xôi nhưng nhiều cơ hội

Panama, một cái tên không mới nhưng cũng chưa trở nên quen thuộc với nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đang được nhắc đến nhiều hơn bởi những tiềm năng chưa được khai thác.

Panama, một cái tên không mới nhưng cũng chưa trở nên quen thuộc với nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đang được nhắc đến nhiều hơn bởi những tiềm năng chưa được khai thác.

Tăng cường giao thương

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 10-2012, Tổng thống Panama Ricardo Martinelli Berrocal đã khẳng định sẵn sàng là cánh cửa để DN Việt Nam đi vào thị trường Mỹ Latin với hơn 600 triệu dân. Ngài Tổng thống cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất về thuế, hải quan, cơ sở hạ tầng cho các DN nước ngoài làm việc tại đó.

Trao đổi thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Panama đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn. Panama vẫn là thị trường mới mẻ với không ít DN xuất khẩu Việt Nam do khoảng cách xa xôi. Chưa có nhiều DN đặt văn phòng đại diện ở đây. Hiện Việt Nam mới chỉ có 1 DN có văn phòng tại Panama là Công ty Thương mại VIETPA, S.A chuyên kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng cao cấp.

Cũng có một số DN khác như Công ty Thuốc lá Việt Nam và Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị bắt đầu quan tâm đến thị trường này thông qua việc tham gia hội chợ Expocomer 30 tổ chức hồi cuối tháng 4-2012, một hội chợ thường niên quy mô lớn tại Mỹ Latin.

Tuy nhiên, cho đến nay mọi thứ mới chỉ dừng tại đó chứ chưa có những bước tiến xa hơn. Chính vì thế,  để các DN Việt Nam có cơ hội tìm hiểu thêm thị trường này, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức chương trình Giao thương và Xúc tiến thương mại tại Panama, dự kiến từ ngày 14 đến 22-4-2013.

Đại diện CTCP Viglacera Hà Nội giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Xây dựng và Nhà ở “Capac Expo Hábitat" tại Panama (Ảnh của Đại sứ quán Việt Nam tại Panama). 

Đại diện CTCP Viglacera Hà Nội giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Xây dựng
và Nhà ở “Capac Expo Hábitat" tại Panama
(Ảnh của Đại sứ quán Việt Nam tại Panama). 

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, chương trình giao thương với Panama lần này sẽ quảng bá hình ảnh, sản phẩm DN, thương hiệu Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư với các DN Panama, các nước Trung Mỹ và Caribê, tăng cường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Panama, các nước Trung Mỹ và Caribê.

Về ngành hàng, chương trình sẽ ưu tiên các mặt hàng dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thực phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, cơ khí... “Trên thực tế, Panama cũng chưa biết nhiều về Việt Nam. Chính vì thế, những chương trình thế này sẽ giúp DN 2 bên hiểu biết nhau hơn và tăng cường quan hệ thương mại” - ông Hoàng Công Thúy, Đại sứ Việt Nam tại Panama, chia sẻ.

Nhiều lợi thế, giàu tiềm năng

Theo chia sẻ của ông Hoàng Công Thúy, hiện Panama có rất nhiều lợi thế cho các DN muốn đến làm ăn. Đầu tiên phải nói đến là kênh đào Panama dài 80km nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương giúp tạo ra nguồn lợi đáng kể cho thương mại quốc tế.

Từ Panama nhà đầu tư có thể thâm nhập các thị trường lớn tại khu vực Mỹ Latin. Dự kiến trong năm 2014, Panama sẽ có sân bay lớn nhất Mỹ Latin. Việc cấp phép mở văn phòng đại diện, chi nhánh sẽ chỉ mất 1-2 ngày và chi phí khoảng dưới 1.000USD.

Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam muốn mở văn phòng đại diện tại Panama. Bên cạnh đó, Panama không yêu cầu Visa với bất kỳ công dân nào của Việt Nam khi đến đất nước này.

Hiện thủ công mỹ nghệ đang là lĩnh vực nhiều tiềm năng để các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Panama. Đây cũng chính là điểm mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, các DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có thể tìm ra lối thoát trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Bởi DN duy nhất đặt văn phòng tại Panama đang kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng cao cấp sẵn sàng giúp đỡ các DN trong nước tiếp cận thị trường Panama từ đó vươn ra cả Mỹ Latin rộng lớn.

Tất nhiên, cũng như nhiều thị trường khác, tiềm năng luôn song hành cùng thách thức. Panama không ngoại lệ. Thách thức đầu tiên dành cho các DN Việt Nam khi đến làm ăn tại quốc gia này chính là khoảng cách địa lý xa xôi.

“Chính vì quá xa nên chi phí vận chuyển bị đội lên, khiến hàng hóa của chúng tôi không thể cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và đến nay chúng tôi vẫn chưa thành công ở thị trường này” - giám đốc một DN chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm gỗ cho biết.

Ngoài ra, cơ cấu xuất khẩu của 2 nước có một số mặt hàng trùng hợp cũng là điều các DN Việt Nam phải hết sức lưu ý. Song, với nhiều tiềm năng như đã nói, hy vọng những thách thức này chỉ là những vật cản nhỏ DN Việt Nam có thể bước qua.

Các tin khác