Paris vẫn cần thời gian phục hồi

(ĐTTCO) - Hơn 1 tháng sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris, các khách sạn hạng sang tại thủ đô Pháp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề vì không có khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà hàng nổi tiếng có những dấu hiệu dần bình phục nhờ lượng khách hàng địa phương.

(ĐTTCO) - Hơn 1 tháng sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris, các khách sạn hạng sang tại thủ đô Pháp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề vì không có khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà hàng nổi tiếng có những dấu hiệu dần bình phục nhờ lượng khách hàng địa phương.

Ngay những ngày đầu tiên sau vụ khủng bố 13-11 vừa qua, ngành du lịch và kinh doanh nhà hàng khách sạn của Pháp đã tổn thất nặng nề do du khách lo sợ đến Pháp. Bản thân người dân Pháp cũng hủy các chuyến đi chơi đặt trước cho kỳ nghỉ sắp tới và hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khiến ngành giao thông và hàng không bị ảnh hưởng nặng. Theo Văn phòng nghiên cứu MKG, doanh thu ngành dịch vụ khách sạn của Pháp bị thiệt hại 9,3% sau vụ tấn công khủng bố và các khách sạn hạng sang là những cơ sở bị tác động nặng nề nhất. Dù lĩnh vực này được thổi một chút sinh lực nhờ Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về khí hậu (COP21) với phái đoàn của 195 nước, song nguồn dưỡng khí chỉ kéo dài trong khoảng 2 tuần ấy không đủ khỏa lấp sự tụt giảm về doanh thu.

Ông Francois Delahaye, Giám đốc khách sạn Plaza Athenee, nằm trên đại lộ Montaigne nổi tiếng, lo ngại tình hình vẫn chưa thể phục hồi ngay được. Khách sạn do ông quản lý đã mất 2 triệu EUR doanh thu chỉ trong vòng 1 tuần sau loạt khủng bố vì liên tục bị hủy đặt phòng. Doanh thu của Plaza Athenee đã giảm xuống một nửa trong vòng 1 tháng. Ông Delahaye dự báo dịp lễ cuối năm mới chỉ có 30% số phòng của khách sạn được đặt, trong khi đó cùng thời điểm năm ngoái tỷ lệ đặt phòng lên đến 70%. So với tác động sau vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015, thiệt hại lần này tăng gấp 4 lần. Còn tại Khách sạn hạng sang Bristol, nằm trên phố Faubourg Saint-Honore, tỷ lệ đặt phòng cũng giảm đáng kể. Hiện số phòng được đặt chỉ chiếm 44%, so với 61% vào cùng thời điểm năm ngoái. Trước thực trạng này, khách sạn phải giảm bớt nhân sự, để nhân viên nghỉ luân phiên hoặc khuyến khích họ đi nghỉ phép, đồng thời hạn chế tuyển nhân viên mới. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu vụ xả súng tại tòa soạn báo Charlie Hebdo chỉ gây ra những thiệt hại ngắn hạn, vụ khủng bố ngày 13-11 có nguy cơ gây ra những tác hại dài hạn đến nền kinh tế Pháp.

Trái ngược với không khí ảm đạm trong lĩnh vực khách sạn, các nhà hàng hạng sang tại Paris đang dần hồi phục nhờ lượng khách hàng Pháp. Nhà hàng 3 sao Epicure d’Eric Frechon, nằm trong khách sạn Bristol, là một thí dụ. Đầu bếp trưởng Yannick Alleno, đứng đầu nhà hàng 3 sao Pavillon Ledoyen ở gần đại lộ Champs-Elysee, cũng hoàn toàn tin tưởng vào các khách hàng quen người Pháp. Ông Alleno cho rằng nhà hàng của ông sẽ vẫn tấp nập khách vào dịp năm mới.

Paris vẫn cần thời gian phục hồi ảnh 1

Tổng thống Pháp François Hollande ăn tốivới Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại nhà hàng Ambroisie.

Trong tình hình khó khăn chung của khu vực này, nhà hàng 3 sao Ambroisie, tại quảng trường Vosges, bỗng chốc được quảng cáo miễn phí nhờ bữa tối được cả thế giới quan tâm giữa Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tối ngày 30-11, ngày khai mạc Thượng đỉnh COP21. Bà Daniele Pacaud, vợ của bếp trưởng nổi tiếng Bernard Pacaud, cho biết sau bữa tối đó, bà nhận được rất nhiều thư điện tử và tin nhắn từ khắp nơi trên thế giới. Bà phấn khởi vì bắt đầu nhận những lời đặt bàn từ Hoa Kỳ cho tháng 1-2016. “Rất nhiều người muốn đến nơi Tổng thống Obama đã đặt chân tới” - bà Daniele nói.

Cuối tháng trước, chính quyền Paris đã thảo luận về việc hỗ trợ những những quán ăn, nhà hàng tại Paris bị ảnh hưởng nặng do vụ khủng bố ngày 13-11. Ngoài các biện pháp hỗ trợ, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng kêu gọi các nhân vật nổi tiếng của Pháp và thế giới thúc đẩy quảng bá cho các địa điểm du lịch ở Paris và nước Pháp để cứu ngành du lịch Pháp.

Các tin khác