Park Hang-seo - Xúc tác thương mại Việt - Hàn

(ĐTTCO) - Nhiều DN Hàn Quốc đã ăn nên làm ra trong 2 tháng cuối năm 2018, nhờ “ăn theo” hình ảnh huấn luyện viên Park Hang-seo và đội tuyển bóng đá Việt Nam tại giải AFF Suzuki Cup 2018. Đặc biệt, nhiều DN Hàn Quốc cũng ngỏ ý đầu tư tại Việt Nam trong năm 2019 từ cảm hứng huấn luyện viên Park Hang-seo.

Park Hang-seo - Xúc tác thương mại Việt - Hàn
Từ cảm hứng đến "tiền tươi thóc thật”
Mới đây, tờ Korea Times của Hàn Quốc đăng tải bài viết khá thú vị, trong đó phân tích về tác động của ông Park Hang-seo đối với thương mại 2 nước Việt - Hàn. “Để hiểu được Park Hang-seo có ảnh hưởng như thế nào ở Việt Nam, người ta chỉ cần nhìn vào cách các công ty Hàn Quốc thực hiện sau khi đội tuyển Việt Nam, dưới sự huấn luyện của ông Park, giành được huy chương vàng AFF Suzuki Cup 2018” - tờ Korea Times viết.
 Những bước tiến mới trong quan hệ đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, cho thấy là dấu hiệu hình thành phát triển làn sống thứ ba của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam. Trong đợt đầu tư mới này, các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất rộng, từ nhiều dự án tỷ USD đến các dự án siêu nhỏ.
TS. Trần Toàn Thắng
Korea Times dẫn chứng, một sự kiện thương mại do KOTRA tổ chức đã thu hút hơn 15.000 khách. Đơn vị này cũng cho biết sau trận chung kết AFF Suzuki Cup, doanh số bán hàng tại chỗ đã vượt quá 23 triệu won, tương đương 20.360USD.
“Một ngày trước trận chung kết, doanh số đã đạt 15 triệu won và tăng vọt lên 25 triệu won khi đội tuyển Việt Nam vô địch” - một quan chức KOTRA nói với tờ báo. Vị này cũng cho rằng doanh số bán hàng online sẽ tiếp tục tăng hết tháng 12 với tổng doanh thu dự kiến lên đến 200 triệu won, tương ứng 177.000USD.
Ngành thực phẩm Hàn Quốc cũng được hưởng lợi từ cơn sốt HLV Park. Cửa hàng tiện lợi GS25 cho biết doanh thu của họ sau khi Việt Nam vào đến trận bán kết đã tăng 12,1%. Có thể kể như loại bánh sandwich “idol” của GS25 được hưởng lợi nhiều nhất từ sự nổi tiếng của ông Park.
Kể từ khi được bán tại Việt Nam hôm 14-12, chiếc bánh “idol” này đã đứng đầu doanh số bán thực phẩm tại cửa hàng. Tuy GS25 không tiết lộ số lượng bánh được bán ra, nhưng riêng tại Hàn Quốc, bánh này đã được tiêu thụ 7 triệu chiếc kể từ khi được giới thiệu ra thị trường hồi tháng 9-2018.
Tờ Korean Times nhấn mạnh doanh số bán đồ ăn nhẹ, bia và thức uống nói chung của Hàn Quốc cũng tăng sau khi Việt Nam giành cúp vàng. Vị lãnh đạo của KOTRA nhấn mạnh rằng sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt Nam đang mời gọi các DN Hàn Quốc phải tạo ra song song chiến lược trực tuyến và ngoại tuyến.
Không chỉ ngành làm đẹp hay thực phẩm được hưởng lợi từ sức nóng ông Park, ngay cả nhóm tài chính ngân hàng cũng không làm ngơ trước sự hâm mộ của 90 triệu dân Việt Nam với ông thầy người Hàn Quốc. Ngân hàng Shinhan từ tháng 5-2018 đã mời ông Park Hang-seo và Lương Xuân Trường làm đại sứ thương hiệu. Sự nhạy bén của Shinhan đã được đền đáp bằng quả ngọt.
Theo tờ Korea Times, lượng khách hàng của Shinhan đã tăng hơn 20%, từ 1 triệu lên 1,2 triệu khi ông Park trở thành người đại diện hình ảnh. Lượng khách hàng mở thẻ tín dụng của ngân hàng cũng tăng vọt hơn 10%, từ mức 190.000 người tăng lên 210.000 người, trong khi đó lượng khách sử dụng Internet Banking cũng tăng từ 124.000 lên 180.000 người, tăng 45%. 

Làn sóng đầu tư thứ ba
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được đẩy mạnh. Hiện nay Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu trong 128 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tổng số lũy tiến đến hết tháng 12-2017 với 6.532 dự án và số vốn đăng ký là 57,65 tỷ USD.
Theo báo cáo đầu tư toàn cầu của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), vốn giải ngân đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc (tới hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ) năm 2015 và 2016 mỗi năm 28 tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới. Cũng trong 2 năm này, số vốn Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 7 tỷ USD/năm, trong đó năm 2017 hơn 8 tỷ USD. Con số này bằng 1/4 số vốn giải ngân đầu tư nước ngoài ra toàn cầu của Hàn Quốc.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), Việt Nam đang là điểm đầu tư lớn thứ 4 của Hàn Quốc ra nước ngoài và là đối tác nhận viện trợ lớn nhất của Hàn Quốc. Hiện nay về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc tăng 117 lần kể từ năm 1992, đạt mức 61,5 tỷ USD năm 2017.
Trao đổi với ĐTTC, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KH-ĐT), nhận xét: “Với chính sách mới của Hàn Quốc, thương mại gắn chặt với đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hạn chế Việt Nam cần lưu ý. Cụ thể, con số thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang tăng khá nhanh từ 2010 đến nay, trong đó năm 2017 thâm hụt 31,9 tỷ USD. Sự liên kết gữa DN trong nước và DN FDI của Hàn Quốc có cải thiện nhưng vẫn chưa cao. Tỷ lệ DN Việt Nam tận dụng được Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VK-FTA) thấp, do DN chưa chú trọng tìm hiểu hiệp định và vấn đề xuất xứ hàng hóa. Tôi cho rằng đây là những hạn chế chúng ta phải sớm khắc phục khi đón nhận làn sóng thứ ba về đầu tư”.

Các tin khác