Trao đổi với ĐTTC về những phản hồi trước thông tin nợ thuế, liệu có gian lận trong việc kinh doanh xăng dầu theo hình thức tạm nhập - tái xuất với kinh doanh nội địa, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhìn nhận:
Với DN nhập khẩu xăng dầu, dù chỉ nợ thuế vài triệu đồng, chuyến tàu chở xăng dầu sau đó sẽ bị hải quan cưỡng chế ngay. Nghĩa là phải nộp thuế trước chuyến hàng đó, thay vì được ân hạn thuế trong 30 ngày.
Nếu DN bị nhiều lần cưỡng chế sẽ không được ân hạn thuế nữa. Petrolimex mỗi năm có trên 300 chuyến tàu nhập hàng, bình quân 1 ngày/chuyến. Nếu chúng tôi có tình trạng nợ đọng thuế làm sao hàng hóa có thể thông quan được. Thực tế Petrolimex chưa từng bị cưỡng chế thuế. Điều đó có nghĩa chúng tôi không nợ thuế quá hạn.
Trong số hơn 132 tỷ đồng nợ thuế Tổng cục Hải quan công bố, Petrolimex đã nộp trên 96,8 tỷ đồng, trong đó đã nộp từ tháng 6 là 46,5 tỷ đồng và tháng 8 hơn 50 tỷ đồng. Số còn lại 35,1 tỷ đồng liên quan đến lượng xăng dầu Petrolimex đã tái xuất và đang trong thời hạn thanh khoản tờ khai.
Theo quy định tại Văn bản 8540 của Bộ Tài chính, sau khi Petrolimex nộp đầy đủ hồ sơ chứng minh hàng đã thực tái xuất trong thời gian quy định, cơ quan hải quan quyết định không thu thuế, số tiền này không nằm trong diện nợ thuế. Tuy nhiên hải quan chưa cập nhật số liệu gần nhất và nhiều tờ khai chúng tôi nộp từ tháng 6 nhưng trên hệ thống của hải quan lại không có.
PHÓNG VIÊN: - Theo số liệu từ hải quan, nhiều DN, trong đó có Petrolimex, tạm nhập nhiều xăng dầu nhưng xuất ít và dư luận đang đặt câu hỏi về việc có sự gian lận hay không?
Ông TRẦN NGỌC NĂM: - Đặc thù của mặt hàng xăng dầu là lỏng, dễ bay hơi, hao hụt nhiều. Hơn nữa, theo quy định của Bộ Tài chính khi xăng dầu tạm nhập tính theo dung tích (m3), nhưng khi xuất lại quy đổi ra khối lượng (tấn). Vì thế Bộ Tài chính cho phép DN được chuyển từ hàng tạm nhập sang hàng tiêu thụ nội địa tối đa 10% đối với mỗi lô hàng. Nếu con số để lại nội địa quá 10%, phần vượt phải chịu nghĩa vụ thuế như nhập hàng kinh doanh. Ngoài ra, nếu để sau 30 ngày kể từ ngày nhập DN còn phải chịu phạt.
![]() |
Nhập xăng vào một cây xăng của Petrolimex. Ảnh: C.THĂNG |
- Trong thống kê của hải quan có đề cập xăng dầu tạm nhập - tái xuất của Petrolimex nhiều thời điểm xuất vượt số lượng nhập. Chẳng hạn, trong giai đoạn từ 1-1-2009 đến 31-6-2012 dầu FO tái xuất vượt quá tạm nhập 172.300 tấn. Liệu có thể hiểu DN đã lấy cả phần kinh doanh trong nước để tái xuất khi giá trong nước thấp hơn bên ngoài?
- Sau khi số liệu thống kê của hải quan được đưa ra, tôi đã yêu cầu Phòng Xuất nhập khẩu của Petrolimex rà soát lại từng tờ khai. Về mặt nguyên tắc, Petrolimex mở tờ khai tạm nhập với khối lượng 10 khi thanh khoản tờ khai, xuất trình bộ hồ sơ cho hải quan được xuất tối đa 10, không thể nào thanh khoản được tờ khai khi DN nhập 10 mà xuất 11.
Tôi cho rằng có thể hải quan thống kê cắt khúc trong 1 năm nhất định. Trong năm đó DN nhập về chỉ 10 nhưng xuất có thể xuất cả tờ khai của năm trước đó (theo quy định hàng tạm nhập - tái xuất được lưu giữ tới 180 ngày), nên khi hải quan xuất toàn bộ hồ sơ thấy tổng xuất cao hơn tổng nhập.
- Hải quan cho rằng khó giám sát được hàng nhập khẩu kinh doanh nội địa với hình thức tạm nhập - tái xuất do để chung bồn. Khi thuế suất có biến động, DN có thể tiêu thụ nội địa xăng dầu tạm nhập - tái xuất không ai biết. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Chính sách thuế của Việt Nam điều tiết xăng dầu nhằm mục đích có giá bán ổn định trong nước. Khi thuế suất bằng 0% nghĩa là giá thế giới đang rất cao. Ngược lại, khi áp thuế là lúc giá thế giới xuống. Về cơ bản, giá các thời điểm đó tương đối giống nhau.
Thí dụ, lúc DN nhập xăng dầu ở mức 20.000 đồng/lít, thời điểm đó liên bộ điều chỉnh thuế nhập khẩu bằng 0%. Nhưng thời gian sau, giá thế giới giảm, DN nhập 18.000-19.000 đồng/lít và khi đó Nhà nước áp mức thuế tương đương 1.000- 2.000 đồng/lít. Như vậy, tại 2 thời điểm tính cả giá nhập và thuế đều tương đương 20.000 đồng/lít. Như vậy, DN không thể chỉ biết “phục” chờ thuế tăng và cũng không thể dự liệu trước thuế tăng hay giảm được.
- Xin cảm ơn ông.