Một năm tăng 2 lần, mỗi lần tăng tới 20%, việc tăng giá vé máy bay của Vietnam Airlines (VNA) được giải thích bằng hàng loạt các lý do. Nhưng gì thì gì, những người dân bình thường vẫn không thể hiểu nổi tại sao vé khứ hồi chặng Hà Nội - TPHCM lại bằng cả một tour du lịch vài ngày đi Thái Lan.
Thế nên thay vì đi du lịch trong nước, tết này nhiều gia đình đã chuyển hướng xuất ngoại. Vừa rẻ lại vừa sang. Đương nhiên rồi, đi nước ngoài nghe vẫn "oách" hơn, đó là chưa kể, dịch vụ, sự chuyên nghiệp, các gói hậu mãi đi kèm của tour ngoại trước nay vẫn được ca ngợi, hơn hẳn tour nội. Và không chỉ tết này, sắp tới là hè, là các ngày lễ, xu hướng đi nước ngoài thay cho du lịch nội địa có thể dự báo trước.
Chuyện doanh thu, lợi nhuận, chuyện kinh tế mũi nhọn... của ngành du lịch, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Không dừng lại ở đó, xu hướng dịch chuyển từ tour nội sang tour ngoại còn dẫn đến nguy cơ chảy máu ngoại tệ.
Trong bối cảnh cán cân thanh toán ngoại tệ luôn ở trong tình trạng mất cân đối, vấn đề này sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế... Như vậy có thể thấy, tăng 20% giá vé máy bay lần này của VNA đã góp phần giảm rất nhiều những giá trị của ngành khác.
Hay nói cách khác, VNA "hớt" được con tép nhưng xét trên tổng thể nền kinh tế, chúng ta đã mất con tôm hùm. Nhưng có hề chi. Ở ta, chuyện "đèn nhà ai nhà nấy rạng" cũng là chuyện thường. Chẳng thế mà bao năm nay, chúng ta cứ nhìn sự liên kết giữa các ngành hàng không, thương mại, dịch vụ... của Thái Lan mà thèm.
Cũng không quá cao siêu, chỉ là hàng không bớt một chút, dịch vụ khách sạn bớt một chút, các điểm tham quan bớt một chút, hãng vận tải bớt một chút... để tạo ra một gói tour rẻ, hấp dẫn du khách. Nên năm 2010 họ đón 15 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu lên tới 432.000 tỉ đồng trong khi chúng ta đón khoảng 5 triệu khách quốc tế với doanh thu khoảng 76.000 tỉ đồng, chỉ bằng 1/6 họ. Nhưng "thèm" là "thèm" vậy, chuyện liên kết, còn lâu.
Giá vé máy bay tăng mạnh, đường về quê của nhiều người cũng xa hơn, thăm thẳm hơn. Nhiều người cho biết, họ phải "giãn" kế hoạch, thay vì mỗi năm về thăm nhà một lần, nay sẽ là 2 năm, thậm chí 3 năm mới về. Bởi với tốc độ tăng giá vé như hiện nay, chi phí cho việc đi lại đã quá cao so với thu nhập của họ. Cũng có nhiều người phải chuyển từ máy bay sang đi tàu, xe; có người lại buồn bã bởi "ước mơ lên trời" đã khép lại khi khoảng cách giữa thu nhập và giá vé ngày càng kéo dài ra.
Xăng dầu độc quyền, tăng dễ giảm khó; điện lực độc quyền, chỉ tăng không giảm; hàng không độc quyền không những chỉ tăng mà còn tăng rất mạnh... bất chấp sự tác động lên các ngành, nghề khác, lên cuộc sống của người dân và cao hơn là tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Phá bỏ thế độc quyền là giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất để dẹp bỏ tất cả những nghịch lý đã và đang tồn tại của các ngành này.