Phải có nhiều hàng Việt tốt, rẻ

(ĐTTCO).- Chiều 10-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã họp triển khai công tác năm 2017.

(ĐTTCO).- Chiều 10-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã họp triển khai công tác năm 2017.

Chủ  tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mục tiêu của cuộc vận động không chỉ vận động người Việt mua hàng Việt, mà còn vận động người Việt mua hàng Việt tốt, rẻ. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải sản xuất nhiều hàng Việt tốt, giá rẻ.

“Năm 2017 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, muốn thế phải làm ra được thật nhiều hàng Việt chất lượng, giá rẻ để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, năm 2016,16/28 bộ, ngành và 18/63 tỉnh, thành chưa có báo cáo về thực hiện cuộc vận động, cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến cuộc vận động này.

“Năm 2017, xuất khẩu có nhiều khó khăn, chúng ta càng phải tăng cường tiêu dùng trong nước, đòi hỏi phải đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo, năm 2017 sẽ có khen thưởng những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Khen thưởng cũng phải được Chính phủ công nhận để có sức lan tỏa. Năm 2017, Ban Chỉ đạo cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước”; Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”; thực hiện giám sát việc thực hiện cuộc vận động ở các bộ ngành và địa phương; giám sát việc phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt ở các địa phương năm 2016-2017; giám sát việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong các chợ truyền thống (tập trung vào các trung tâm thương mại và siêu thị). Đồng thời, khảo sát việc thực hiện chính sách nhập khẩu một số mặt hàng có nguy cơ gây phá giá đối với hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam.

Về công tác rà soát đề nghị bổ sung, sửa đổi chính sách đối với hàng Việt, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tổ chức khảo sát, đánh giá và kiến nghị chính sách từ chuỗi sản xuất đến tiêu dùng với chuỗi chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa và sữa học đường; nhóm hàng dệt may; thuốc Việt; sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam...

Ban Chỉ đạo cũng sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực trạng và giải pháp ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước đối với một mặt hàng nhập khẩu cụ thể đang bán phá giá ở Việt Nam.

“Cơ quan quản lý nhà nước một mình khó làm nên phải gắn với hội nghề nghiệp để từ đó chống bán phá giá và cạnh tranh lành mạnh”- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ.

Với hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt - VIBrand” lần thứ V; tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên qui mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt”; triển khai hệ thống tiêu thụ hàng trong nước, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và tham gia các sự kiện hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam; tổ chức chương trình “Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” nhằm cổ vũ và tôn vinh các doanh nghiệp tiên phong chống hàng giả, hàng nhái, các thương hiệu sản phẩm phát triển bền vững; tuyên truyền và triển khai ứng dụng “quy trình xác thực chống hàng giả” trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quản lý dòng hàng, bảo vệ thương hiệu đối với doanh nghiệp; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu vì người tiêu dùng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các tin khác