Phải mạnh tay người nổi tiếng 'ngáo' quyền lực

(ĐTTCO) - Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho nhiều người trở nên nổi tiếng hơn, nhiều sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng hơn mà không phải tốn quá nhiều chi phí. Thế nhưng, mặt trái của sự phát triển ấy chính là việc bùng nổ lừa đảo.

Phải mạnh tay người nổi tiếng 'ngáo' quyền lực

Đầu tháng 5, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo, do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo.

Cụ thể, với hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định tại giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27, BTV Quang Minh bị phạt 37,5 triệu đồng.

Trong khi đó, với hành vi vi phạm ở mức độ nặng hơn là quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 gây nhầm lẫn về công dụng đã công bố, MC Vân Hugo bị phạt 70 triệu đồng. Ngoài ra, cả 2 đều phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.

Trước đó vào tháng 4, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), Thành viên HĐQT CER về tội lừa dối khách hàng.

Trước đó, 2 người này cùng hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên thường livestream trên mạng xã hội, quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ Kera với thông điệp “1 viên kẹo bằng cả đĩa rau”. Sản phẩm do CER công bố, bắt đầu đưa ra thị trường vào cuối năm 2024.

Quang Linh và Hằng Du mục sau đó bị phạt do có hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm đã được công bố. Số tiền xử phạt áp dụng cho hành vi này là 70 triệu đồng mỗi cá nhân. Hoa hậu Thùy Tiên cũng bị phạt 25 triệu đồng.

Việc Quang Linh Vlogs bị khởi tố và bắt tạm giam đã gây xôn xao dư luận, bởi anh được cộng đồng biết đến nhiều và yêu quý nhờ những việc đã làm ở châu Phi. Thế nhưng, sau những lần tham gia các phiên livestream bán hàng cùng Hằng Du mục, người ta bắt đầu thấy Quang Linh Vlogs xuất hiện thường xuyên hơn trên các phiên live, bán đủ loại sản phẩm.

Ngay khi đó đã có không ít lo ngại về việc Quang Linh Vlogs có thể trượt dài vào việc kiếm tiền hơn là đi theo những hoạt động tạo nên danh tiếng trước đó.

Những năm gần đây, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… đã đưa những người có tiếng như hoa hậu, diễn viên, ca sĩ, MC… đến gần hơn với công chúng giúp họ ngày càng nổi tiếng hơn.

Chưa hết các nền tảng này còn đưa nhiều người vốn trước đây ít người biết, thậm chí có thể chưa ai biết tới giờ thông qua các video review sản phẩm dưới danh nghĩa tự trải nghiệm hay các video hài hước, khác người, thậm chí thông qua những video nhận mình làm bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng… dần trở nên nổi tiếng. Họ mang trên mình cái mác KOL/KOC.

Con đường chung của những người nổi tiếng nhờ mạng xã hội này chính là đi bán hàng. Nhiều người còn nói chua chát rằng “ai rồi cũng đi bán hàng thôi”. Mở Tiktok Shop lên là thấy ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu, KOL/KOC livestream bán hàng.

Ở một góc tích cực, bằng niềm tin họ xây dựng được trên mạng có thể giúp các nhãn hàng bán được nhiều hàng hơn. Nhưng mặt trái thì không ít, vì bán được hàng nhiều nhưng chưa chắc doanh nghiệp có lợi nhuận khi thông qua những người nổi tiếng này.

Còn nhớ khi chia sẻ trên báo một doanh nhân đã phải thốt lên rằng chính sự nuông chiều của các nền tảng mạng xã hội với những KOL/KOC này đã khiến doanh nghiệp chết ngạt khi bán hàng trên mạng.

Bởi thuê người nổi tiếng livestream thì mất phí cao, giá sản phẩm phải giảm xuống thấp để có deal tốt nhất cho họ, nhưng quan trọng hơn những người này không hiểu gì về sản phẩm để thực sự truyền đạt đến người tiêu dùng. Tệ hơn có những khách hàng đến vì người nổi tiếng nên hết phiên livestream doanh nghiệp cũng chẳng còn lại gì.

Đó chưa phải tất cả những mặt trái, nguy hiểm hơn nhiều người nổi tiếng đã vì tiền mà bất chấp. Họ thổi phồng công dụng sản phẩm, không cần biết sản phẩm đó thật/giả như thế nào chỉ cần doanh số cao, hoa hồng nhiều là được. Trước họ, đã có những nghệ sĩ bị điểm tên như: Quyền Linh, Cát Tường, Hồng Vân hay chủ kênh tiktok “Chuyện nhà Linh Bí” do quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật.

Thế nhưng, cách họ thường làm chỉ đơn giản là lên tiếng xin lỗi. Nhưng như vậy là không đủ, bởi những KOL/KOC đã đến lúc cần những bài học như Hằng Du mục và Quang Linh Vlogs để bớt “ngáo quyền lực”, đứng về đúng vị trí của mình hơn. Bởi nếu không thì mạng ảo nhưng hệ quả nhận về là thật.

Cùng với việc nhiều người nổi tiếng bị xử phạt, bị bắt tạm giam gây xôn xao dư luận thời gian qua, thì thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, cũng khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, bàng hoàng.

Ngoài việc đưa vào bán ở một số kênh chính thống thì thủ đoạn mà các nghi phạm sử dụng là thuê các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Tuy nhiên, việc bán hàng được thực hiện với các thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại tính năng, tác dụng, chất lượng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng và bán được số lượng hàng rất lớn, thu lời bất chính. Không biết bao nhiêu người vì tin vào quảng cáo, tin vào công dụng của sản phẩm mà đã mua sữa giả cho người thân của mình sử dụng trong thời gian dài.

Tỉnh táo, thận trọng luôn là những gì người tiêu dùng được cảnh báo và hẳn cũng là điều nhiều người nằm lòng. Thế nhưng trước sự tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng và sự chung tay thổi phồng công dụng của nhiều người nổi tiếng thì người tiêu dùng muốn tỉnh táo, thận trọng cũng không dễ.

Vì vậy, rất cần những biện pháp mạnh tay hơn từ cơ quan chức năng để từng bước dẹp nạn lừa đảo, giả nhái từ con người đến sản phẩm. Đồng thời cần hơn sự “nghiêm khắc” của người tiêu dùng để không dễ dàng biến một người thành KOL/KOC sau đó lại bị chính những người mình tin tưởng lừa dối.

Được biết, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Đáng chú ý, tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đã đề xuất nhiều tội phải chịu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền cũng tăng với hơn 160 tội danh so với Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo đó, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nếu "Hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên", bị đề xuất mức phạt tù từ 5-10 năm.

Dự kiến dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Các tin khác