Trong số đó không ít người kinh doanh lỗi thời đã lần lượt bị thời gian đào thải, có doanh nhân tự học hỏi, nhất là thế hệ trẻ, kiên nhẫn vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, tiếp tục hành trình đam mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho mình và xã hội. Phan Minh Thông là một trong những gương mặt doanh nhân trẻ tiêu biểu đáng quý.
Sống phải luôn thay đổi
Gần mười năm trước tôi đã nghe đến Phan Minh Thông khi được đọc một số bài phỏng vấn, bài viết về anh, người sáng lập thương hiệu Phúc Sinh Group kinh doanh nông sản, khởi đầu chủ yếu là hồ tiêu và cà phê. Cho đến lúc ngồi đọc cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” của Phan Minh Thông, dù chưa gặp anh bao giờ, nhưng đã lôi cuốn tôi bởi những câu chuyện anh kể, những thất bại anh vượt qua, những chuyến đi anh trải nghiệm, những bài học xương máu anh rút tỉa, những đột phá thành công anh đạt được, những tình yêu anh dành cho mỹ thuật và cuộc sống quanh mình… đã gây cho tôi niềm cảm hứng.
Từ những trang chữ chân thành và tâm huyết, hiện lên trong Phan Minh Thông mang tinh thần tự lập, tự tin, tự chủ và luôn hướng tới sự sáng tạo khác biệt, không ngừng học hỏi khám phá, không chịu lặp lại cái cũ, tự mở con đường mới bằng tri thức và niềm tin của một người trẻ kinh doanh có văn hóa. Anh tin ở bản thân mình và tin ở con người. Tâm sự của Phan Minh Thông để hiểu vì sao anh được mệnh danh là “vua hồ tiêu” sau chặng đường kinh doanh 15 năm gian nan khắc nghiệt về thứ hạt gia vị “cay” thấm đẫm nước mắt và tình yêu này. Trong bài No.1 và chuyện kinh doanh hạt tiêu, anh viết: “Bạn có biết, một doanh nghiệp của nước Anh với lịch sử cả 100 năm mà còn phá sản vì hạt tiêu, hay các công ty của Singapore thị phần có lúc đến 50% nhưng cũng không tránh khỏi phá sản. Mọi thành công hôm nay đều trở nên cũ vào ngày mai vì môi trường kinh doanh không ngừng thay đổi. Vì sự thay đổi của các nhân tố tham gia và sau 15 năm, làn sóng bán hàng trực tiếp đến các nước nhập khẩu mà tôi không dám nói là dẫn đầu, nhưng là một trong các công ty dẫn đầu đã có những bước tiến đáng kể. Hầu hết các văn phòng đại diện về hạt tiêu tại Việt Nam đã đóng cửa, vì chúng ta kinh doanh tại nước của họ và việc mở mang thông thương đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong ngành hạt tiêu. Do vậy, những gì chúng tôi làm tốt trong quá khứ cũng chỉ nên xem như một kinh nghiệm để phải thay đổi trong tương lai, vì ngày mai luôn là một ngày mới, luôn là thời điểm để mọi thứ như mới bắt đầu”.
Từ công cụ hedge
Sau hồ tiêu, Phan Minh Thông cũng thành công trong kinh doanh cà phê, nhưng phải trải qua nhiều bài học thực tế truân chuyên mang tính mở đường. Chẳng hạn, câu chuyện chuyên môn về “công cụ” hedge, tức nghiệp vụ bảo đảm hàng hóa giảm rủi ro khi giao dịch ngoại hối tránh sự biến động của thị trường, hay còn gọi là sản phẩm phái sinh, anh chia sẻ một cách thú vị trong bài Ngọt - đắng vị cà phê:
Bìa tập sách Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh của Phan Minh Thông.
“Khi tôi kinh doanh cà phê năm 2008 - 2009, không một doanh nghiệp Việt Nam nào biết hedge cả. Điều đó rất rủi ro và gây sốc cho người nước ngoài mua. Họ luôn có câu hỏi: Bán nhiều thế mà không hedge hả? Và câu trả lời là không, không. 10 năm gần đây bao nhiêu doanh nghiệp cà phê đã phải phá sản, có những năm phá sản nhiều quá, u ám cả một ngành, u ám cả một tỉnh, thành phố nơi cà phê được trồng chủ yếu ở đó. Và phải nói là ngân hàng mất rất nhiều tiền cho các doanh nghiệp phá sản, vì họ cho doanh nghiệp vay”.
Trong lúc đó chẳng có trường nào ở nước ta đào tạo bài bản về các công cụ hedge, nên sinh viên ra trường chẳng biết gì về nghiệp vụ phái sinh. Phan Minh Thông viết tiếp: “Kinh doanh cà phê mà không có công cụ, rủi ro rất lớn, vì vậy chúng tôi phải tìm cách học. Trước chúng tôi học từ người mua, bạn bè người nước ngoài làm trong ngành cà phê. Nói chung là họ giấu lắm, họ không muốn chia sẻ đâu. Mình phải kiên nhẫn và sau đó những gì học được thực tập với ngân hàng. Ngân hàng có khi họ cũng không nắm kỹ hoạt động của các dịch vụ phái sinh, mình phải nói cho họ các nghiệp vụ đó và từ đó mình và ngân hàng học hỏi cùng nhau. Từ những việc làm thiết thực mà chưa doanh nghiệp nào làm trước đó, chúng tôi trở thành những người tiên phong, nhìn lại chúng tôi cảm thấy tự hào”.
Đến nghệ thuật… đòi nợ
Ai cũng biết kinh doanh là cả một nghệ thuật, và đòi nợ cũng là một nghệ thuật của kinh doanh. Vì không đòi được nợ nên không ít công ty gặp lao đao, thậm chí phá sản. Trong cuốn sách của Phan Minh Thông, khá thú vị với câu chuyện đòi nợ khách hàng ở tận bên Nam Mỹ mua cà phê của anh. Đòi nợ trong hoàn cảnh khoảng cách địa lý muôn trùng. Đòi nợ qua điện thoại từ Colombia sang tới Nhật Bản, nhưng rồi biết được vị khách nói tiếng Anh chỉ là một người trung gian và khi dồn tới tận cùng thì ông ta từ chối liên lạc. Đòi nợ chính chủ nói tiếng Tây Ban Nha trong khi anh lại không hề biết thứ tiếng này. Và từ trong thế bí anh đã nhớ đến Google, nhờ dịch những lá thư sang tiếng Tây Ban Nha gửi sang khách hàng ở Colombia, cộng với sự kiên trì và niềm tin mãnh liệt trong suốt bốn tháng quên ăn mất ngủ, cuối cùng anh đã đòi được tất cả số tiền lớn từ 52 container cà phê xuất khẩu.
Câu chuyện đòi nợ khi nghĩ lại với Phan Minh Thông như điều không có thực. Kinh doanh luôn là một sự đấu trí, chiến đấu bền bỉ kiên cường như thế đấy. Vừa quản lý, vừa phải xử lý để có tiền thanh toán vô vàn các hóa đơn, lại phải quan tâm đòi tiền các lô đến hạn. Có khách tự động trả, nhưng nhiều khách phải luôn thúc giục nếu muốn được trả tiền đúng hạn.
Cũng trong bài Tôi đi… đòi nợ, Phan Minh Thông còn chia sẻ bằng niềm tin và trái tim nhân ái: “Nhìn lại hơn bốn tháng đi… đòi nợ, tôi biết tôi có thể không phải vất vả đến vậy vì vẫn có một cách lựa chọn khác, nhưng nếu lựa chọn như thế tôi sẽ trực tiếp tàn phá cơ nghiệp của khách hàng và họ mất mát hết. Tôi có thể lấy lại hàng và bán đi vì tôi vẫn cầm bộ chứng từ hàng hóa và khách hàng cũng không thể bắt đền vì đã để tôi đợi quá lâu. Tuy nhiên, tôi đã lựa chọn sự hợp tác, sự tin tưởng vào con người và cuối cùng tôi có được kết quả tốt”. Và anh kết luận: “Đôi khi khó khăn làm cho chúng ta mạnh mẽ nghị lực hơn, đôi khi khó khăn làm chúng ta sáng tạo hơn”.
Chính vì không bước đi từ khó khăn trên đôi chân nghị lực sáng tạo chính mình, mà được sắp đặt bởi bàn tay quyền lực vội vàng của người khác, nên xã hội Việt Nam đang chứng kiến những con người còn khá trẻ nhưng sớm bước lên tầm cao danh vọng để rồi bị “rơi tự do” trong đau xót. Đáng mừng là Phan Minh Thông và nhiều bạn trẻ khác đã tránh được vùng tối ấy, bằng giá trị thực lực chính mình họ vững vàng từng bước vượt qua mọi bão giông thách thức, tự mở con đường ánh sáng phía tương lai.