Phân tầng báo chí để áp thuế

* Báo SGGP và UBKT Quốc hội sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về kinh tế biển

* Báo SGGP và UBKT Quốc hội sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về kinh tế biển

Cuối tuần qua, tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội, đã có buổi thăm và làm việc với ban lãnh đạo báo SGGP xoay quanh hoạt động kinh tế báo chí cũng như các kế hoạch hợp tác tới đây giữa UBKT Quốc hội và báo SGGP về công tác tuyên truyền, phát triển kinh tế.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập và cán bộ, phóng viên báo SGGP tiếp ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội. Ảnh: CAO THĂNG 

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập và cán bộ, phóng viên báo SGGP tiếp
ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội. Ảnh: CAO THĂNG 

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập kiêm Tổng Thư ký tòa soạn, thay mặt báo SGGP đã kiến nghị về một số vấn đề kinh tế báo chí. Cụ thể, trong bối kinh tế khó khăn, hoạt động của báo chí gặp nhiều thách thức, nhất là hệ thống báo Đảng như báo SGGP (không dùng ngân sách, tự cân đối, tự trang trải).

Có một thực tế là doanh thu quảng cáo toàn ngành báo chí năm 2012 đạt 20.200 tỷ đồng; có đến hơn 18.000 tỷ đồng vào hệ thống kênh truyền hình, báo giấy chỉ thu được 2.200 tỷ đồng, trong đó tập trung vào báo xã hội, giải trí là chủ yếu, quảng cáo trên hệ thống báo Đảng rất ít. Do vậy, cần phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với loại hình báo giấy.

Lâu nay thuế TNDN là 25%, vừa qua có kiến nghị xuống 20-22%, nhưng riêng với lĩnh vực báo giấy nên giảm thuế xuống 10%, áp dụng ngay trong năm 2013. Việc giảm thuế cho báo giấy cũng chưa làm báo giấy có thể có lãi trong bối cảnh hiện nay, nhưng đây là biện pháp tinh thần tạo sự lan tỏa hưng phấn đối với báo giấy.

Đồng tình với các kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Giàu, cho rằng thời gian tới cần phải có một cuộc khảo sát toàn bộ hoạt động báo chí mới có thể thấy được bức tranh kinh tế báo chí, từ đó xây dựng chính sách thuế công bằng và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Bởi thực tế hiện nay nhiều CBNV, phóng viên của những tờ báo giấy, truyền hình vẫn có thu nhập cao, nhưng cũng có những tờ báo thu nhập CBNV rất thấp.

Trong đó, báo Đảng do nhiệm vụ thông tin cũng như đặc thù hoạt động nên càng khó khăn, cần có sự hỗ trợ về thuế là hợp lý. Với những tờ báo có khả năng thương mại hóa được thì cho hoạt động theo hướng thương mại. Có như vậy mới tạo sự công bằng, không tạo mâu thuẫn mới trong cạnh tranh báo chí.

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Giàu và lãnh đạo báo SGGP cũng đã trao đổi, bàn bạc về kế hoạch tới đây báo SGGP sẽ phối hợp với UBKT Quốc hội cùng nhiều bộ chuyên ngành khác tổ chức Hội thảo: “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển”.

Đây là vấn đề mà những người làm báo SGGP ấp ủ, trăn trở từ lâu. Bởi hiện phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam thua xa nhiều nước trong khu vực, trong đó đánh bắt xa bờ bằng tàu gỗ là chủ yếu. Các chương trình cho vay đóng tàu sắt ngư dân lại không mặn mà, vì chi phí quá lớn.

Trước đây, các ngân hàng thương mại hỗ trợ nghề cá đánh bắt xa bờ bị thiệt hại, thất thoát, nên rất hạn chế cho vay mới; các nguồn lực nhà nước hỗ trợ chưa đủ mạnh cho ngư dân hoán cải tàu thuyền, trang bị phương tiện hiện đại vươn khơi bám biển. Hiện nhiều ngư dân phải vay lãi suất cao nên hiệu quả đánh bắt rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng GDP kinh tế biển đóng góp cho GDP cả nước rất lớn, trong đó nhiều tiềm năng nhất là đánh bắt thủy hải sản. Do vậy chủ đề hội thảo có thể hướng vào việc tiếp sức ngư dân, tạo ra quan hệ khai thác kinh tế biển và sản xuất bền vững, cũng cần có chính sách bảo hiểm, tạo sự an tâm cho ngư dân yên tâm hành nghề; đặc biệt cần kết nối các nguồn lực để hiện đại hóa nghề cá Việt Nam, phát triển theo hướng bền vững.

Các tin khác