Theo đó, chính phủ Pháp đã công bố lộ trình phát triển mô hình “kinh tế tuần hoàn”, biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất. Paris đề ra mục tiêu giảm 50% lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm phế liệu để làm ra những sản phẩm mới. Chính phủ dự kiến trong 7 năm tới sẽ có thêm 300.000 chỗ làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới này.
Vậy mô hình kinh tế tuần hoàn là gì? GS. Franck Aggeri, Trường Công nghệ mỏ Paris, cho biết để hiểu kinh tế tuần hoàn, cần đi từ mô hình hiện tại đó là khai thác tài nguyên, rồi từ đó sản xuất ra các vật dụng. Sau một thời gian sử dụng, những vật dụng đó bị thải thành rác. Ngược lại, trong mô hình kinh tế tuần hoàn, người ta cố gắng tìm cách để những chất liệu được dùng lại hay biến chúng thành năng lượng, có nghĩa biến rác thải thành những nguồn nhiên liệu.
Chính phủ Pháp công bố lộ trình biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Cũng theo GS. Franck Aggeri, để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, cần xét lại toàn bộ quy trình sản xuất khi cung ứng một món hàng hoặc một dịch vụ. Nếu là vật dụng, sản phẩm đó phải bền, phải tạo cơ hội để người sử dụng sửa chữa thay vì vứt đi khi bị hư hại; rồi cũng phải để ngỏ khả năng chế biến món đồ hư hại đó thành vật dụng khác. “Thay vì bị vứt vào sọt rác, nếu chịu khó tái chế, khối lượng việc làm được tạo thêm tăng lên gấp 20 lần. Kinh tế tuần hoàn ban đầu dựa trên 2 hứa hẹn: một là giảm tác động tàn phá đối với môi trường và hai là tạo thêm của cải cho nhân loại” - GS. Franck Aggeri nói.
Lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, xoay quanh 2 nội dung chính: khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng có độ bền cao, khi hỏng dễ được sửa chữa và khuyến khích các hoạt động tái chế, sử dụng lại nguyên liệu từ những món đồ trước khi chúng được thải ra bãi rác.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng (ADEME), ở Pháp 70% rác trên toàn quốc do ngành xây dựng thải ra, tương đương 247 triệu tấn. Mỗi năm các hộ gia đình thải khoảng 30 triệu tấn rác, các công ty không kể ngành xây dựng thải 64 tấn.
Nhưng vấn đề then chốt là chính phủ Pháp cần có những biện pháp nào để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng về mô hình sản xuất ít làm tổn hại cho môi trường hơn? Về mặt tài chính, trước mắt nội các Thủ tướng Edouard Philippe dự trù giảm đánh thuế VAT 5,5% thay vì 20% vào các nguyên liệu tái chế, phạt tiền các ngành nghề không tuân thủ các chuẩn mực mới, tiếp tục thải nhiều rác làm hủy hoại môi trường.
Tuy nhiên, tiền bạc không là chìa khóa duy nhất để chuyển từ một mô hình tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Paris đang tìm những phương án để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra những mặt hàng càng bền càng tốt. Bên cạnh đó, sử dụng lại nguyên liệu từ những món hàng vứt đi đòi hỏi nhiều phương tiện cả về kỹ thuật để lọc lại rác cho tới quá trình sản xuất và kể cả cách sống của mỗi cá nhân.
Vào lúc Pháp mới bắt đầu đề ra mục tiêu đến năm 2025 giảm phân nửa lượng rác thải, tại Thụy Điển 99% rác đã được tái chế, một nửa trong số này được tái chế để đưa được vào guồng máy sản xuất, nửa còn lại dùng để sản xuất ra điện cho toàn dân. Stockholm thậm chí còn phải mua lại rác của các nước láng giềng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.