Hội đồng Bộ trưởng Pháp đã đề xuất 4 kịch bản trả đũa nếu nước Anh và đảo Jersey không cấp đủ giấy phép đánh cá cho ngư dân Pháp trong vòng 10 ngày tới.
Sau thời hạn trên, kể từ ngày 1/11, các tàu cá của Anh sẽ bị hạn chế đi vào các cảng biển của Pháp. Trên đường bộ, Pháp cũng sẽ gia tăng các biện pháp bảo hộ, tăng thuế quan đối với hàng hóa của Anh xuất khẩu vào thị trường Pháp và châu Âu qua đường hầm dưới eo biển Manche. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực tài chính và nghiên cứu cũng sẽ được xem xét. Đối với đảo Jersey do Anh quản lý, Pháp sẽ giảm sản lượng điện cung cấp, đồng thời tăng giá điện bán cho hòn đảo này.
Ngư dân đánh cá ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam nước Anh. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal tiếp tục đưa ra chì trích nhắm tới Chính phủ Anh: “Chính sách mà Chính phủ Anh thực hiện là không thể chấp nhận được bởi chúng không tôn trọng điều khoản đã ký trong khuôn khổ thỏa thuận hậu Brexit. Trong khi đó, Pháp luôn nỗ lực, đáp ứng và chấp nhận các yêu cầu được đưa ra”.
Vấn đề đánh bắt cá tại các vùng biển của Anh là một trong những hồ sơ nhạy cảm, gây căng thẳng và tốn nhiều công sức nhất của cả Anh và EU trong quá trình đàm phán thỏa thuận hậu Brexit. Từ nhiều tháng qua, một số nước EU, đặc biệt là Pháp, liên tiếp chỉ trích Anh đã vi phạm điều khoản về nghề cá trong thỏa thuận Brexit, khi mới chỉ cấp khoảng 200 giấy phép, trong khi con số đề nghị từ phía các ngư dân Pháp là 430 đơn.
Pháp cho biết, sẽ vận động Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà nước này đề xuất. Tuy vậy, nhiều quan chức trong chính phủ Pháp thừa nhận, cần cân nhắc mức độ trả đũa phù hợp nhằm tránh làm tổn thương hơn nữa mối quan hệ giữa Anh và EU vốn đã xấu đi nhiều kể từ sau Brexit.
Trước đó (ngày 13/10), trong một động thái hạ nhiệt, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ nới lỏng phần lớn việc kiểm tra hàng hóa từ Anh đến tỉnh Bắc Ailen, nhưng cũng cho biết đã chuẩn bị kịch bản tồi tệ nhất là Anh hủy bỏ điều khoản Bắc Ailen trong thỏa thuận Brexit.