Phát huy hiệu quả từ đào tạo truyền nghề

(ĐTTCO) - Từ đầu năm 2022 tới nay, Hội Sân khấu TPHCM, Ban Lý luận phê bình và CLB Phóng viên Sân khấu TPHCM đã tổ chức một số buổi giao lưu, truyền nghề dành cho diễn viên trẻ và sinh viên ngành sân khấu với khách mời là NSƯT Hùng Minh, NS Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc... 

Cách truyền nghề trực tiếp giúp người trẻ có thêm nhiều kiến thức, phát huy năng khiếu và niềm đam mê sân khấu.

NS Thanh Sơn và NS Trinh Trinh trong chương trình Nghề nối nghề. Ảnh: NGỌC VÂN

NS Thanh Sơn và NS Trinh Trinh trong chương trình Nghề nối nghề. Ảnh: NGỌC VÂN

Truyền nghề trực tiếp

Tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM từ những năm 2000 đã thành lập lớp đào tạo truyền nghề đặc biệt. Liên tiếp sau đó là những lớp diễn viên trẻ được thu nhận và học theo phương thức truyền nghề trực tiếp, vừa học vừa biểu diễn và thử sức với nhiều loại vai. Hiện nhà hát đã có được một lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa vững vàng trên sân khấu hát bội như Bảo Châu, Anh Thi, Ngọc Giàu, Thanh Bình, Kiều My, Hoàng Hà... Tất cả là nhờ sự truyền nghề tận tâm của các nghệ sĩ hát bội gạo cội: Ngọc Dung, Kim Thanh, Hữu Danh, Xuân Quan, Ngọc Nga, Nguyễn Hoàn...

Nghệ sĩ Thanh Bình chia sẻ: “Thầy cô trao truyền cho chúng tôi kiến thức từ lý thuyết đến thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật vũ đạo trình diễn, động tác, bộ tịch, cách ca, hát, nói lời thoại và nhiệt huyết làm nghề. Sau mỗi đợt học tập, chúng tôi cảm nhận rất rõ kỹ thuật biểu diễn của mình được nâng lên hơn hẳn”.

Ở sân khấu cải lương, đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long tạo nên dấu ấn lớn khi đào tạo được một lớp nghệ sĩ cải lương nhỏ tuổi tài năng. Đến nay, qua mấy chục năm, những nhân tố của sân khấu Đồng ấu ngày xưa tiếp tục tỏa sáng trên sân khấu cải lương hiện nay với Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Vũ Luân, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo... Những năm gần đây, nghệ sĩ Thanh Sơn, em trai cố NSND Thanh Tòng, phụ trách và quản lý Đoàn Hậu duệ Cải lương Tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn đã duy trì chương trình nghệ thuật định kỳ Nghề nối nghề. Tại sàn diễn này, các nghệ sĩ cải lương nhiều thế hệ và học trò đang theo học trực tiếp với NS Thanh Sơn có cơ hội để thực tập và làm nghề.

Với một số sân khấu kịch nói xã hội hóa, qua công tác đào tạo tại chỗ, cũng xuất hiện những gương mặt diễn viên, đạo diễn trẻ có chuyên môn tốt. Từ các sân khấu kịch Hồng Vân, Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Trịnh Kim Chi, Quốc Thảo... đến Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, nhiều nghệ sĩ sân khấu kỳ cựu của làng kịch nói TPHCM đã tích cực tham gia đào tạo, đứng lớp giảng dạy.

Phương pháp hiệu quả

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Sân khấu cải lương tồn tại thực tế trên sàn diễn chứ không phải trên sách báo hay câu chữ được ghi lại, cũng không tồn tại trong băng đĩa vì nó vẫn mang tính chất là tư liệu. Đời sống sân khấu phải là sự sống hàng đêm, tồn tại khi mở màn và kết thúc khi đóng màn một tác phẩm, một vở diễn. Nhìn vào thực tiễn, hiện có 80%-90% nghệ sĩ sân khấu cải lương ngôi sao hiện nay không xuất thân từ trường sân khấu. Vậy nên rất cần xem lại công tác đào tạo của trường sân khấu như thế nào, từ đội ngũ giảng dạy đến giáo trình, đến cách tiếp cận, cảm nhận của xã hội. Cần đặt câu hỏi, tại sao Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và một số đơn vị nghệ thuật xã hội hóa lại đào tạo được ngôi sao?”.

Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc nhận định: “Ông bà ta đã để lại 6 chữ thanh - sắc - phục - tinh - khí - thần và công tác truyền nghề thường dựa trên 6 chữ này. Việc truyền nghề thành công chủ yếu là ở người học, biết chủ động, yêu nghề, đam mê... sẽ luôn nỗ lực phát huy khả năng. Còn đào tạo chuyên ngành sân khấu theo phương pháp sư phạm rất khoa học, tuy nhiên vẫn cần phải nương tựa vào cách thức truyền nghề, vì đây vốn là lĩnh vực nghệ thuật sân khấu dân tộc, sân khấu truyền thống”.

Từ cách làm của nhiều sân khấu hiện nay, cách dạy và học bằng truyền nghề trực tiếp luôn là một phương pháp giảng dạy mang tính trao truyền hiệu quả, đặc biệt là với tính đặc thù độc đáo của nghệ thuật sân khấu. Đây là lĩnh vực mà kinh nghiệm hay sự tài hoa, chỉ có những người làm nghề hàng chục năm mới có được. Sự tài hoa đó được đúc kết thành kinh nghiệm quý giá để trao lại cho thế hệ trẻ đang tiếp bước trên con đường nghệ thuật.

Việc phát huy, nhân rộng và nâng chất mô hình đào tạo truyền nghề trong thời điểm hiện nay tại các trường đào tạo chuyên ngành cũng như các sân khấu xã hội hóa rất cần được quan tâm. Để qua các lớp đào tạo sẽ có thêm nhiều nhân tố, gương mặt tài năng được phát hiện, bồi dưỡng, có cơ hội đóng góp cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của TPHCM.

NSND Trần Ngọc Giàu mong muốn trong thời gian tới sẽ có một CLB Đạo diễn trẻ tổ chức nhiều hoạt động truyền nghề trực tiếp, giúp các bạn đang theo học và làm việc chuyên ngành đạo diễn sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương, có thêm kiến thức nghề.

Các tin khác