Cùng với sự bát nháo, ồn ào, mất mỹ quan, trật tự đô thị là tình trạng vô tư vi phạm nồng độ cồn của một số người ăn nhậu khi tham gia giao thông theo Nghị định 100 của Chính phủ. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 vừa tạm lắng, tình trạng trên đang rầm rộ trở lại khiến người dân sống chung quanh muốn… phát khùng!
Đua nhau mọc như nấm
Vài năm trở lại đây, các quán beer club vỉa hè trở nên quen thuộc đối với giới trẻ. Chính vì vậy, hàng loạt quán được mở dày đặc tại nhiều tuyến đường ở TPHCM, không khác gì các quán bar, vũ trường lộ thiên với vũ nữ ăn mặc hở hang phục vụ, nhạc đì đùng suốt ngày đêm. Vào mỗi buổi tối, đoạn đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) và đường Phạm Văn Đồng (qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức) được biết đến là “khu phố ăn nhậu”.
Quán beer club DOPE lấn chiếm hết vỉa hè trước nhà số 242 Phạm Văn Đồng, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM . Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngoài những quán nhậu bình dân còn có không ít beer club trên vỉa hè trở thành “điểm hẹn” của giới trẻ. Dạo một vòng đường Phạm Văn Đồng vào chiều tối, chúng tôi chứng kiến nhiều beer club tập trung tại khu vực phường 1 (quận Gò Vấp), phường 11, 13 (quận Bình Thạnh). Có thể kể đến một số quán như Chicago Beer, Tẹt, Havana, Beer Street, The Moon, Orange, Beer Ray, Bambo Beer & Shisha, Cowboy...
Thậm chí nhiều quán còn sẵn sàng phục vụ shisha nếu khách có nhu cầu. Sà vào quán Chicago Beer, chúng tôi ù cả tai vì tiếng nhạc từ loa đại mở hết công suất, trong khi một hàng dài xe cộ phía trước quán lấn chiếm hết vỉa hè. Ngay cả khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND TPHCM yêu cầu không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng thì tụ điểm ăn chơi này không hề thực hiện nghiêm túc.
Dạt qua một số quán khác sau 20 giờ, chúng tôi được nhân viên tràn xuống lòng đường mời gọi, chèo kéo mặc kệ xe cộ lưu thông qua lại đông đúc. Cùng với tiếng nhạc chát chúa, một số quán beer club còn trang bị hệ thống ánh sáng chớp nháy để thu hút sự chú ý của người đi đường nhưng cũng khiến không ít người bị tai nạn do lóa mắt.
Quán Orange (442 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh) và quán The Moon (331 Phạm Văn Đồng, phường 1, quận Gò Vấp) còn trang bị dàn âm thanh “khủng”, bố trí thêm DJ phối nhạc đinh tai nhức óc, gây náo nhiệt cả một đoạn đường. Các quán này hoạt động từ đầu đêm đến gần sáng khiến người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tương tự, trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) cũng có hàng loạt quán nhậu, beer club ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, có thể kể đến một số quán như Hup Acoustic Pub, Beer Tea Hill…
Bất lực hay bảo kê?
Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân, tình trạng nêu trên đã diễn ra trong khoảng thời gian dài. Người dân nhiều lần gửi đơn, gọi điện phản ánh đến các cấp chính quyền nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm, mà ngày càng rầm rộ hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Chắt (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) ngao ngán: “Đêm nào cũng vậy, hàng loạt quán hai bên đường thi nhau mở loa với công suất lớn, nhiều lúc tiếng nhạc lớn đến mức đập rung cả cửa nhà. Có hôm nửa đêm đang ngủ cũng giật mình tỉnh giấc vì tiếng nhạc ngoài đường. Chúng tôi đề nghị chính quyền sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý dứt điểm”.
Anh H.T.C (ngụ phường 1, quận Gò Vấp) than thở: “Đi làm về mệt, mà ngày nào cũng bị tra tấn, gia đình tôi đã đóng bít các cửa lại nhưng vẫn không tránh khỏi ồn ào, càng về khuya tiếng ồn càng lớn. Nếu cứ như vậy chắc tôi phải bán nhà chuyển đi sớm”. Anh Phan Thanh Hiếu (40 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cũng ám ảnh với những tiếng nhạc từ các quán beer club vỉa hè: “Tối nào tôi cũng đi làm về ngang qua đoạn đường Phạm Văn Đồng là thấy bên đường tiếng nhạc vang lên dồn dập. Đi qua thôi cũng cảm thấy đau đầu, huống hồ người dân ở quanh đó phải chịu”.
Còn bà Ngô Thị Minh Huệ (phường 1, quận Gò Vấp) cho biết: “Nhiều quán beer club mở nhạc với âm lượng lớn đến gần sáng gây ảnh hưởng đến người dân chúng tôi, nhất là những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Mong muốn chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên”.
Trao đổi với chúng tôi, không ít người dân tỏ ra bức xúc và cho rằng chính quyền địa phương mỗi lần ra quân dọn dẹp cho lấy lệ rồi đâu lại vào đó. Nhiều người dân còn tỏ ra ngờ vực có hay không sự bao che, bảo kê của lực lượng chức năng nên các quán beer club vẫn ngang nhiên hoạt động. Hơn nữa, khi Nghị định 100 vừa ban hành, lực lượng chức năng ra quân chốt chặn, kiểm tra nồng độ cồn nên dân nhậu có vơi bớt, nhưng gần đây ngành chức năng không làm gắt nữa nên tình trạng ăn nhậu... tưng bừng trở lại.
Ông Vũ Nam Hưng, Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM Lực lượng của phường quá mỏng Thời gian qua, phường cũng thường xuyên đi vận động các hàng quán cam kết không vi phạm, mạnh tay xử lý các quán có hành vi lấn chiếm vỉa hè và gây ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, do lực lượng tại phường còn mỏng, nên sau khi lực lượng chức năng rời đi thì các quán lại tiếp tục vi phạm. Bà Triệu Thị Bích Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM Khó xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn UBND phường cũng thường xuyên ra quân kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản xử lý những quán beer club lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, UBND phường cũng rất khó xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn, bởi phải có các đơn vị chuyên môn, máy đo tiếng ồn mới có căn cứ xử lý. Ông Huỳnh Nhật Tâm, Chánh Văn phòng UBND quận Thủ Đức, TPHCM Chính quyền các cấp đang vào cuộc mạnh mẽ và xử lý nghiêm Quận Thủ Đức là địa phương có dịch vụ ăn uống phát triển khá mạnh, các khu vực làng đại học, dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng, ven sông Sài Gòn có nhiều quán ăn, nhà hàng quy mô lớn. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, quận luôn chú trọng tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tổ chức kinh doanh, làm ăn. Tình hình Covid-19 đang có chiều hướng giảm, người dân tập trung đến nhà hàng ăn uống ngày càng đông, tăng lượng người uống bia rượu tham gia giao thông là khó tránh khỏi. Quận Thủ Đức đã rà soát, xây dựng chương trình để triển khai thực hiện Nghị định 100. Ngoài lực lượng công an là nòng cốt, chính quyền các cấp, đoàn thể vào cuộc, vận động chủ nhà hàng, quán ăn thực hiện Nghị định 100, khuyến cáo khách hàng đã uống rượu bia thì không lái xe, nên gọi xe taxi, grab để về nhà. |