Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn là “liệu pháp sốc” cần thiết

(ĐTTCO) - Sau hơn 1 tuần thực thi, Nghị định 100/2019 (NĐ 100) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có kết quả khả quan, tạo được hiệu ứng tốt, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí bức xúc với các quy định mới. 

Trong cuộc tọa đàm ngày 9-1 tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và các chuyên gia đã làm rõ những vấn đề được người dân quan tâm xung quanh NĐ 100.

Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn là “liệu pháp sốc” cần thiết ảnh 1Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Mặc dù các ý kiến đều cơ bản đồng thuận với việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện nhưng trong thực tế, có khá nhiều ý kiến cho rằng các điều khoản của NĐ 100 tăng nặng mức xử phạt vừa ban hành đã lập tức có hiệu lực là làm khó cho người dân, liệu người dân có quyền tiếp cận luật trước khi đi vào cuộc sống hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực 1-1-2020 nên phải có văn bản hướng dẫn kịp thời, văn bản có độ sẵn sàng nhất là NĐ 100. Những nội dung trong NĐ 100 chỉ có 2 điểm mới, đó là thêm đối tượng nghiêm cấm điều khiển phương tiện xe máy và xe thô sơ có nồng độ cồn trong máu và nâng chế tài lên. Còn những điều cấm của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được truyền thông từ rất lâu và khẳng định mốc có hiệu lực ngày 1-1-2020. Trước đó, việc trao đổi lấy ý kiến các cơ quan, tiếp thu lấy ý kiến của dư luận xã hội cũng đã được triển khai. 

Đồng thuận với ý kiến này, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng khẳng định, NĐ 100 không trái Luật GTĐB. Luật GTĐB năm 2008 chưa quy định cấm hết các hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông, nhưng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia tại điều 35, khoản 1 có sửa đổi, bổ sung khoản 8, điều 8 các hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, khi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực thi hành, NĐ 100 đã bổ sung đối tượng, quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn thêm như với mô tô, xe thô sơ. 

Về ý kiến cho rằng các quy định của NĐ 100 hà khắc và thiếu rõ ràng so với quy định của nhiều nước trên thế giới, bà Trần Thị Xuân Hằng, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã tham khảo quy định quốc tế. Có 2 phương án cân nhắc là giữ nguyên như Luật GTĐB và phương án cấm tuyệt đối. Có hơn 30 nước cấm sử dụng rượu, bia hoàn toàn, có thể cấm toàn bộ các nhóm, cấm với lái xe chuyên nghiệp hoặc chỉ cấm với người dưới 21 tuổi… Khi Chính phủ trình phương án, nhiều đại biểu Quốc hội đã lựa chọn phương án nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Riêng nội dung này đã phải bỏ phiếu 2 lần để đi đến thống nhất. Do đó, việc đưa ra quy định này hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, phù hợp với thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam trong thời gian qua. Về thắc mắc của người dân ăn hoa quả cũng có nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT chia sẻ, đây là ví dụ, chưa xuất hiện trong thực tế. Các chuyên gia về y tế cũng đã giải thích, lượng cồn trong hoa quả hiện nay như sầu riêng và vải rất ít, nếu bị thổi nồng độ cồn có thể yêu cầu thổi lại lần 2 nếu muốn chứng minh “tôi không uống rượu bia”.

Về quyết tâm thực hiện NĐ 100, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, Chính phủ và Bộ GTVT đã chuẩn bị và ban hành NĐ 100 rất đúng thời điểm. Trong 9 ngày qua, 99% người dân phản ánh đến Quốc hội hoan nghênh Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và NĐ 100. Các chuyên gia đều đồng tình, thực trạng tai nạn giao thông đã quá bức xúc, mức độ sử dụng rượu, bia cũng rất lớn, việc đưa ra mức nghiêm khắc nhất, đảm bảo sự cảnh tỉnh cao nhất như một “liệu pháp sốc” là cần thiết. Các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn ngành Công an phải duy trì xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, đừng “đánh trống bỏ dùi”, có giải pháp giám sát lực lượng thực thi công vụ, tránh tiêu cực, chung chi… để quy định pháp luật này đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân, lợi ích cho xã hội.

Ngày 9-1, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã có nhiều trường hợp bị xử lý do vi phạm nồng độ cồn vượt quy định theo Nghị định 100/2019. Trước đó, vào tối 7-1, lực lượng chức năng phát hiện tài xế Nguyễn Thanh Tuấn (56 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước) lái ô tô 93H-9966 có sử dụng rượu bia. Kết quả, ông Tuấn có nồng độ cồn 0,737mg/l khí thở nên bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Sau đó, khi tuần tra trên đường Phạm Hồng Thái, thị trấn Chơn Thành, lực lượng CSGT phát hiện ông Lê Thanh Tâm (45 tuổi, ngụ huyện Phú Quốc, Kiên Giang) lái ô tô biển số TPHCM có nồng độ cồn 0,560mg/lít khí thở và bị phạt 35 triệu đồng. Cùng lỗi điều khiển ô tô không có giấy phép lái xe, ông Tâm bị phạt thêm 5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện để xử lý.

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã xử phạt các lái xe vi phạm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP số tiền 686,5 triệu đồng chỉ sau hơn 1 tuần ra quân tuần tra, xử lý. Cùng với mức phạt tiền, CSGT tỉnh này cũng đã tạm giữ 85 phương tiện (5 ô tô) và tước giấy phép lái xe 53 trường hợp.

HOÀNG BẮC - XUÂN TRUNG

Các tin khác