Phát sinh gần 2.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cầu Rạch Miễu 2

(ĐTTCO)-Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, trong đó dự án được đề xuất tăng thêm vốn gần 1.600 tỷ đồng và lùi thời gian hoàn thành.
Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng.
Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg ngày 5/11/2020. Trên cơ sở chủ trương đầu tư được duyệt, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, quá trình triển khai đến nay do nhiều nguyên nhân nên kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre gia tăng với tổng kinh phí cần bổ sung khoảng 1.634,66 tỷ đồng, làm vượt tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng kinh phí bồi thường, tái định cư

Việc đầu tư xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Về tiến độ thực hiện, dự án khởi công từ ngày 29/3/2022, khối lượng thực hiện của 6/6 gói thầu xây lắp là 845,11/ 3.302,88 tỷ đồng, đạt 25,5% giá trị hợp đồng đã ký.

Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đã hoàn thành các thủ tục liên quan của dự án như trình phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường làm cơ sở để tổng hợp, phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 5.175,45 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được 3,93/7,95km (khoảng 49,43%); còn Tỉnh Bến Tre đã bàn giao được 9,35/9,65km (đạt 96,89%).

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải áp dụng nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng nhưng dự án vẫn bị ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai tại hiện trường.

"Đến nay, các tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá bồi thường và áp giá; kết quả thực hiện cho thấy kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có biến động lớn làm tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng, dẫn đến vượt tổng mức đầu tư được duyệt của dự án", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Việc tăng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chủ yếu là biến động về đơn giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến, đây là nguyên nhân khách quan, ngoài dự kiến nên theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng sẽ được phép điều chỉnh dự án đầu tư.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019, dự án có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư.

Lùi thời gian hoàn thành

Do đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 6.810,11 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 5.591,98 tỷ đồng, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 là 1.218,13 tỷ đồng.

Dự án chịu tác động lớn từ tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, dự kiến đến quý 4/2023 mới có thể thi công trên toàn tuyến phía Tiền Giang, đây cũng là đoạn tuyến có yêu cầu xử lý đất yếu với thời gian gia tải lên đến 15 tháng.

Bộ Giao thông vận tải

Cụ thể, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng khoảng 1.964,37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng, thiết bị giảm 96,42 tỷ đồng do cập nhật, chuẩn xác theo khối lượng và đơn giá theo dự toán được duyệt; chi phí quản lý, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác giảm 89,98 tỷ đồng do cập nhật các chi phí theo các quyết định phê duyệt dự toán và dự kiến các chi phi khác chưa có quyết định phê duyệt. Chi phí dự phòng giảm 143,31 tỷ đồng do chuẩn xác lại tỷ lệ chi phí dự phòng các yếu tố phát sinh về khối lượng và yếu tố phát sinh trượt giá theo chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác.

Cũng tại tờ trình này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị nội dung điều chỉnh thứ hai là thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với thời gian hoàn thành được xác định lại là năm 2026 thay vì năm 2025 như kế hoạch ban đầu.

Đồng thời, gói thầu XL-02 thi công xây dựng cầu dây văng có thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2026. Do vậy, cần thiết xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để đảm bảo phù hợp thực tế triển khai thi công nhằm bảo đảm thời gian thực hiện của các hạng mục chính của dự án và chất lượng công trình.

Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định qua các số liệu đánh giá, phân tích các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho thấy lợi ích mang lại từ việc đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre có giảm do tổng mức đầu tư dự án tăng thêm khoảng 1.634,66 tỷ đồng nhưng dự án vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư và sẽ phát huy hiệu quả ngay sau khi hoàn thành.

Các tin khác