Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược

(ĐTTCO) - Ngày nay chúng ta nghe nhiều về sự nóng lên toàn cầu, với nguyên nhân chính là sự gia tăng khí nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến kinh tế và xã hội khắp nơi trên thế giới.

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) 2023, số liệu ước tính chi phí thiệt hại do biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ vào khoảng từ 1.700 tỷ đến 3.100 tỷ USD mỗi năm đến 2050.

Còn đối với Việt Nam, theo “Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam” của Ngân hàng thế giới (WB) phát hành năm 2022: “Với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.

Các tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn, đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng”. Theo đó, WB chỉ ra tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam có thể chiếm 12-14,5% GDP mỗi năm đến 2050.

Yêu cầu sống còn của quốc gia

Như vậy với sự gia tăng của biến đổi khí hậu và các cam kết toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính, Phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới. PTBV không chỉ giúp bảo vệ môi trường và tăng cường trách nhiệm xã hội, mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài của quốc gia và của DN.

9HH01076.jpg

Riêng với Việt Nam, tại Hội nghị COP 26 năm 2021, cùng hơn 140 quốc gia khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết lộ trình thực hiện cắt giảm khí nhà kính ròng (hiệu số giữa lượng xả thải và loại bỏ khỏi khí quyển) xuống mức bằng không vào năm 2050 (Net Zero).

Đây thực sự là một thách thức quan trọng cho các DN Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội lớn nếu có chiến lược thích ứng phù hợp định hướng PTBV.

Vậy PTBV là gì? Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, “PTBV là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại, mà không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai của chính DN”. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự rất khó để đạt được cân bằng hợp lý giữa những nhu cầu thực tế của ngày hôm nay với tương lai. Và đây lại là yêu cầu sống còn đối với quá trình phát triển lâu dài của một quốc gia hoặc một tổ chức, DN.

Đặc biệt đối với DN, ngày càng gia tăng yêu cầu của các nhà đầu tư, các đối tác, rằng thành viên hội đồng quản trị, các giám đốc quản lý của DN phải chịu trách nhiệm thêm nhiều yếu tố kinh doanh phi truyền thống, do vậy buộc tác động đến hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của DN trong tương lai. Từ đó các khái niệm ESG (môi trường - xã hội - quản trị DN) và CSR (trách nhiệm xã hội DN) cũng dần ra đời và không còn xa lạ đối với nhiều DN.

Có thể nhận diện ESG là một bộ tiêu chí được các nhà đầu tư, đối tác và các bên liên quan khác sử dụng để đánh giá hiệu suất của một DN trong các lĩnh vực tác động môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị DN.

Còn CSR là cách tiếp cận kinh doanh liên quan đến việc tích hợp các mối quan tâm xã hội và môi trường vào hoạt động của DN, từ đó nhận diện sự đóng góp tích cực của DN cho xã hội và thể hiện cam kết thực hành kinh doanh có đạo đức.

PTBV là xu hướng tất yếu và ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với DN, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn để đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững. Bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và các cam kết quốc tế về cắt giảm khí nhà kính, các DN cần phải có chiến lược thích ứng, đồng thời xây dựng mô hình hoạt động bền vững.

Tóm lại, PTBV là một loại báo cáo do các DN công bố, cung cấp thông tin về chiến lược và tác động môi trường, xã hội, quản trị DN trong hoạt động kinh doanh, để đối tác (cả nhà đầu tư, khách hàng, cộng đồng) đo lường, đánh giá cam kết và hiệu quả của DN trong lĩnh vực PTBV.

Chẳng hạn về chiến lược, phải có mục tiêu phấn đấu của DN về giảm thiểu tác động. Về tác động môi trường, bao gồm các thông tin về quản lý năng lượng, phát thải khí nhà kính, sử dụng nước và quản lý chất thải.

Về trách nhiệm xã hội, gồm các thông tin, chỉ tiêu, chiến lược, cam kết của DN đối với cộng đồng, quyền lợi người lao động, và việc đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Về quản trị DN, gồm các chính sách về đánh giá vấn đề cấp bách, quản lý rủi ro, tính minh bạch, và cách tổ chức quản trị của DN...

Lợi ích của báo cáo PTBV

Thống kê không chính thức cho thấy, hiện nay có đến hơn 600 khung và hướng dẫn về các lĩnh vực liên quan đến báo cáo PTBV. Do vậy, trong các năm gần đây đã có nhiều nỗ lực tiêu chuẩn hóa kết hợp với cụ thể hóa hướng dẫn theo ngành, từ đó tích hợp các yếu tố PTBV vào kinh doanh, liên kết với các mục tiêu PTBV toàn cầu (Net Zero).

Ngoài ra, cũng có đề cập đến các chuẩn mực báo cáo PTBV dành cho DN nhỏ và vừa (SMEs). Các Chuẩn mực này thường được thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận hơn, nhằm khuyến khích SMEs tham gia vào quá trình báo cáo PTBV mà không bị quá tải bởi chi phí hoặc quy trình phức tạp. Hầu hết các chuẩn mực báo cáo PTBV phổ biến đều có cách tiếp cận dành riêng cho SMEs.

Lập báo cáo PTBV mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho DN. Thứ nhất, giúp DN thể hiện cam kết của mình đối với các vấn đề xã hội và môi trường, từ đó xây dựng uy tín và hình ảnh tích cực trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng.

Thứ hai, thu hút nguồn vốn, vì các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố ESG khi quyết định đầu tư. Báo cáo PTBV giúp DN chứng minh khả năng quản lý rủi ro và tiềm năng PTBV.

Thứ ba, giúp DN giành lợi thế cạnh tranh, vì báo cáo PTBV có thể là nguồn gợi ý cải tiến, tiết kiệm chi phí và tạo nên sự khác biệt trên thị trường.

Thứ tư, cải thiện quan hệ với các bên liên quan, vì DN thông qua báo cáo PTBV có thể tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng, nhân viên, cộng đồng và các đối tác chiến lược, từ đó gia tăng sự hợp tác và hỗ trợ lâu dài.

Thứ năm, phát triển tầm nhìn và chiến lược cho DN. Bởi quá trình báo cáo sẽ khuyến khích và thúc đẩy DN xác định tầm nhìn và chiến lược để hoạt động bền vững hơn, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bền vững hơn, góp phần tạo ra giá trị lâu dài và tăng cường khả năng phục hồi trong một thế giới nhiều biến động.

Thứ sáu, báo cáo PTBV cho phép DN theo dõi và đánh giá hiệu suất của mình, làm nổi bật và thay đổi những khu vực cần cải thiện, như năng suất hoặc chi phí kinh doanh.

Thứ bảy, thu hút nhân tài. Bởi nhân viên thường muốn làm việc cho các tổ chức phù hợp với giá trị của họ và đóng góp tích cực cho xã hội. Báo cáo PTBV chứng tỏ rõ ràng rằng DN coi trọng các vấn đề PTBV, và sẵn sàng công khai thảo luận, đo lường.

Đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu

Một lý do rất quan trọng để lập báo cáo PTBV là do “yêu cầu tuân thủ”. Hiện nhiều nước trên thế giới, mà điển hình Liên minh châu Âu (EU), vừa qua đã có yêu cầu mới về báo cáo PTBV, đã làm ảnh hưởng đến các công ty có trụ sở tại EU và ngoài EU có hoạt động kinh doanh liên quan đến EU.

Theo đó, Chỉ thị của EU về báo cáo PTBV của DN (CSRD) có hiệu lực từ năm 2023, yêu cầu nhiều DN phải công khai cách thức hoạt động của họ ảnh hưởng đến môi trường và xã hội. CSRD cũng bắt buộc áp dụng cho cả các DN ngoài EU có doanh thu ít nhất 150 triệu Euro trong EU, và có ít nhất một chi nhánh hoặc công ty con tại EU.

Chỉ thị này yêu cầu các DN phải tuân thủ Tiêu chuẩn Báo cáo PTBV châu Âu (ESRS), với sự xác nhận của bên thứ ba để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu công bố. Nếu không tuân thủ các yêu cầu này, sẽ đối mặt với những thách thức trong việc duy trì sự hiện diện trên thị trường, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động trực tiếp mà còn đến cả nhà cung cấp và đối tác của họ trên khắp châu Âu.

Riêng với Việt Nam, DN được khuyến khích lập báo cáo PTBV nhưng vẫn chưa bị bắt buộc. Còn với riêng các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, theo quy định hiện hành về việc công bố thông tin, Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 16-11-2020, đã bao gồm một số yêu cầu liên quan đến các yếu tố ESG.

Bao gồm: Báo cáo phát thải khí nhà kính (GHG) và phải công bố tổng lượng phát thải GHG trong kỳ báo cáo (ngoại trừ các DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán); Biện pháp giảm phát thải; Thông tin liên quan đến môi trường; Thông tin về trách nhiệm xã hội; Yêu cầu về quản trị DN, tức công bố các thông tin về cơ cấu quản trị, tính minh bạch và trách nhiệm của ban quản lý, cũng như các chính sách quản trị rủi ro và tính bền vững.

Nhu cầu tài chính xanh liên quan đến PTBV

Có thể thấy, một lợi ích quan trọng đối với DN lập báo cáo PTBV là thu hút nguồn vốn, hay đúng hơn là nguồn vốn xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Hiện các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư ngày càng tập trung xem xét tầm nhìn và hiệu quả của DN trong các vấn đề bền vững khi đưa ra quyết định tài trợ. Nhiều tổ chức tài chính và quỹ cung cấp các điều khoản ưu đãi hoặc phân bổ vốn cho các công ty có các chiến lược, dự án hoặc hoạt động có lợi cho môi trường và PTBV tạo nên nguồn tài chính xanh.

Một trong những công cụ chính trong tài chính xanh là việc phát hành trái phiếu xanh và các khoản vay xanh. Theo Báo cáo toàn cầu về tình hình thị trường của tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Innitiative), đến cuối năm 2023 giá trị tích lũy của trái phiếu xanh hoặc bền vững đã đạt mức 5.500 tỷ USD.

Và tài chính xanh thường phải dựa vào các thông tin của báo cáo PTBV để đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, và các thông tin chỉ tiêu về tác động môi trường.

Tóm lại, báo cáo PTBV là công cụ quan trọng giúp các tổ chức tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh hoặc bền vững có chất lượng cao với chi phí vốn thấp hơn, điều kiện ưu đãi hơn.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn. WB chỉ ra tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam có thể chiếm 12-14,5% GDP mỗi năm đến 2050.

Các tin khác