Mật độ dày đặc
Nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện trên khúc sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) từ năm 2007 với khoảng 10 hộ dân. Nhưng qua hơn chục năm, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 500 cơ sở với 11.361 lồng, phân bố chủ yếu tại 3 khu vực sông Chà Và, sông Dinh và sông Mỏ Nhát. Trong số này, chỉ có 203 cơ sở với 7.000 lồng nuôi nằm trong các vùng quy hoạch, số còn lại là tự phát. Từ trên cầu Chà Và nhìn xuống dòng sông Chà Và là hình ảnh ken đặc lồng bè trải dài từ khu vực Phú Mỹ về đến vùng biển Vũng Tàu.
Tình trạng phát triển ồ ạt, vượt quy hoạch cả về số lồng lẫn diện tích mặt nước đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, giao thông đường thủy và hiệu quả kinh tế của nghề giảm sút nghiêm trọng. Dòng chảy bị cản trở, rác thải sinh hoạt tăng, lượng thức ăn tồn phát sinh ngày càng nhiều khiến môi trường nuôi trồng bị ô nhiễm, thủy sản chậm phát triển và hao hụt lớn vì các mầm bệnh.
Anh Nguyễn Văn Long, chủ hơn 100 chiếc lồng nuôi cá chim chẽm vây vàng, cá bớp, tôm hùm ở khúc sông Chà Và than thở, giờ nuôi tôm cá ngày càng khó khăn, chi phí thức ăn ngày một tăng, bệnh dịch nhiều, sản lượng đến khi thu hoạch hao hụt từ 40%-60% so với trước đây. Đợt giãn cách xã hội vừa qua, các nhà máy chế biến thủy hải sản tạm ngừng thu mua, các nhà hàng, quán ăn cũng phải đóng cửa nên giá thủy hải sản nuôi lồng bè cũng theo đó lao dốc từ 40%-50% khiến ngư dân ngày càng khó khăn hơn. Nuôi tôm cá lồng bè giờ đây giống như canh bạc, mức độ rủi ro ngày càng lớn.
Không chỉ trên các khu vực sông Chà Và, sông Mỏ Nhát hay sông Dinh mới nuôi trồng thủy sản, ngay cả khu vực chân cầu Gò Găng, 1-2 năm trước chỉ vài ba cơ sở lồng bè, nay cũng đã lên tới hàng chục lồng. Nếu không được kiểm soát tốt thì nguy cơ lao vào vết xe đổ của những khu vực nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn là khó tránh khỏi.
Quy hoạch lại
Trước thực trạng lồng bè tăng nóng, thời gian vừa qua chính quyền địa phương đã mạnh tay xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, trong đó TP Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành chính đối với 274 cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trái phép, nằm ngoài vùng quy hoạch; chấm dứt hoạt động của 87 cơ sở. Để ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước nuôi trồng thủy sản trái phép, Sở NN-PTNN tỉnh đã triển khai lắp đặt 89 phao nhận dạng chính và phao nhận dạng tạm tại các khu vực nuôi thủy sản lồng bè.
Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên toàn địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ngoài khu nuôi trên sông Chà Và, tỉnh đã bổ sung thêm trên sông Dinh và sông Mỏ Nhát với tổng diện tích nuôi là 125ha, tăng 50ha so với quy hoạch trước đây, để đáp ứng nhu cầu nuôi ngày càng tăng của người dân.
Tuy nhiên, trước mắt tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai giải tỏa những trường hợp bè nuôi trái phép có ảnh hưởng đến luồng lạch, an toàn giao thông đường thủy và những trường hợp bè nuôi trái phép ở những khu vực đang triển khai các công trình, dự án đầu tư, xây dựng.
Riêng đối với những cơ sở bè nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch, không ảnh hưởng đến luồng lạch, an toàn giao thông thủy, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương giãn tiến độ giải tỏa để các hộ dân tiếp tục tạm thời tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi thủy sản, nhằm góp phần đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nuôi biển thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi và hướng đến xuất khẩu mặt hàng này trong tương lai.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã yêu cầu, đến hết tháng 6, các địa phương phải lập kế hoạch cưỡng chế lồng bè trái phép, nhất là trường hợp mới phát sinh, ảnh hưởng đến giao thông, luồng lạch. Ngoài ra, Sở NN-PTNT phải khảo sát chọn nơi phù hợp để sắp xếp người dân đến nuôi trồng thủy sản trong thời gian lâu dài nhằm ổn định đời sống. Còn lại, các địa phương liên quan cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận thuê mặt nước cho người nuôi, sắp xếp quy hoạch vùng nuôi gắn với công tác chính sách hỗ trợ di dời để người dân yên tâm chấp hành. |