Các khu đô thị “ăn theo” tuyến metro số 1 sẽ bắt đầu từ cầu Sài Gòn và điểm cuối là khu vực Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc với chiều dài gần 15km, diện tích hơn 577ha. Từ cầu Sài Gòn trở vào trung tâm thành phố không hình thành thêm khu dân cư mới bởi khu vực này đã đông dân cư và đã có nhiều khu đô thị mới với mật độ dân số cao.
Theo đó, 10 khu đô thị, bao gồm: Khu A - Thảo Điền (phường Thảo Điền) rộng hơn 37ha, dân số 12.700 người, tầng cao tối đa 35; Khu B - An Phú (phường An Phú) rộng hơn 71ha, dân số 22.200 người, tầng cao tối đa 40; Khu C - Rạch Chiếc (phường An Phú) diện tích 33ha, dân số 3.500 người, tầng cao tối đa 26; Khu D - Phước Long (phường Trường Thọ) rộng 127ha, dân số 24.900 người, tầng cao tối đa 45; Khu E - Bình Thái (phường Trường Thọ) diện tích 82ha, dân số 2.500 người, tầng cao tối đa 26; Khu F - Thủ Đức (phường Bình Thọ) rộng 38ha, dân số 6.000 người, tầng cao tối đa 20; Khu H - Công nghệ cao (phường Linh Trung) diện tích 42ha, dân số 5.600 người, tầng cao tối đa 25; Khu K - Suối Tiên (phường Tân Phú) diện tích 40ha, dân số gần 900 người, chiều cao tối đa 15; Khu L - Bến xe miền Đông mới (phường Long Bình) diện tích 37ha, dân số 3.500 người, tầng cao tối đa 15; Khu G (gần Nhà máy nước Thủ Đức, phường Hiệp Phú) diện tích hơn 32ha, dân số 4.700 người (được quy hoạch để cải tạo bộ mặt các lô nhà phố bằng quy định về tầng cao, khoảng lùi, tầng cao tối đa 20.
Các khu đô thị trên được quy hoạch với mục tiêu khuyến khích phát triển những công trình đa chức năng, khu nhà ở cao tầng xung quanh ga metro trong bán kính 200-400m. Khu vực quảng trường các nhà ga được quy hoạch phát triển những tuyến phố đi bộ, bãi xe, công viên... phục vụ người dân.
Theo các chuyên gia, đây là quyết định đúng đắn của TPHCM bởi phát triển các đô thị có mật độ dân số cao quanh các ga metro là hướng đi đã được nhiều thành phố trên thế giới chọn lựa bởi vừa giải quyết được bài toán giao thông cho đô thị, vừa giúp đô thị phát triển bền vững. Đặc biệt, nếu khai thác “khéo”, quỹ đất dọc các trục giao thông lớn sẽ tạo ra được nguồn thu bù đắp trở lại cho việc phát triển đô thị.
Trên thực tế, tại TPHCM, cách đây gần 10 năm, khi thành phố công bố chi tiết tuyến metro số 1 với các điểm ga cụ thể, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân mua đất gần đó, đầu tư phát triển bất động sản và thu lời rất lớn chỉ với quảng cáo “căn hộ/nhà nằm gần ga metro số 1”.