Trong 20 năm qua, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để các KCN, KCX và KKT thực sự phát huy hết tiềm năng. Phóng viên ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông VŨ ĐẠI THẮNG (ảnh), Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Từ góc độ cơ quan quản lý, ông nhìn nhận thế nào về những vướng mắc trong cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX và KKT?
-Ông VŨ ĐẠI THẮNG: - Quá trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX và KKT đã bộc lộ một số vướng mắc, những điểm bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương khi triển khai thực hiện. Chẳng hạn, việc phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý KCN, KKT trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước.
Nguyên nhân do không có sự thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành, chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể, hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện. Bên cạnh đó, một số địa phương còn chưa thực sự chủ động kiện toàn, sắp xếp bộ máy ban quản lý KCN, KKT nên chưa bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Một số địa phương chưa thật sự quan tâm về quy hoạch, triển khai xây dựng khu tái định cư, đô thị, nhà ở phục vụ cho KCN, KKT. Việc thực hiện tái định cư, nhà ở, dịch vụ cho công nhân ở nhiều địa phương chưa được triển khai trong thực tế, dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
- Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển KCN, KCX và KKT, nhiều doanh nghiệp phàn nàn chính sách ưu đãi đối với KCN, KCX và KKT không thống nhất, thiếu ổn định nên không thu hút được nguồn lực từ các nhà đầu tư?
- Đây cũng là một rào cản lớn trong chính sách phát triển KCN, KCX và KKT cần sớm được tháo gỡ. Hiện nay, các KCN không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu (trừ một số ít KCN thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn).
Ngoài ra, các dự án đầu tư mở rộng cũng không còn được hưởng ưu đãi thuế trên. Điều này đang gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào KCN và dự án mở rộng trong thực tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt những nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới đang có ý định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
- Nhìn rõ những rào cản này, sắp tới cơ quan quản lý là Bộ KH-ĐT sẽ tham mưu như thế nào cho Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng các KCN, KCX và KKT?
- Hiện tại, Bộ KH-ĐT đang xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN, KKT. Một trong những giải pháp mạnh tay để lập lại kỷ cương với hoạt động của các KCN, KKT được tính đến là tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng các KCN, KKT trong cả nước.
Chúng tôi cũng đề xuất bao gồm cả việc tạm dừng chuyển đổi các cụm công nghiệp thành các KCN. Thời gian vừa qua việc này được thực hiện tràn lan, thiếu kiểm soát.
Đây là biện pháp cần thiết để có thể rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của các KCN, KKT đã thành lập và có phương án xử lý các KCN, KKT không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường.
Về lâu dài, cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành về KCN, KKT theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan trung ương và địa phương; có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên với các chế tài xử phạt thích đáng đối với trường hợp vi phạm.
Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN, KCX theo hướng “một cửa, tại chỗ”.
Một định hướng quan trọng trong thời gian tới là cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam để cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN.
Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN để hình thành các KCN liên kết ngành (clusters) nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong tổng giá trị gia tăng của địa phương.
- Xin cảm ơn ông.