Phát triển kinh tế bền vững - Cần nỗ lực dài hơi

Nghị quyết 11 đang từng bước tạo ra những tác động tích cực. Nhưng với tư cách nhà nghiên cứu, tôi cho rằng tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Nghị quyết 11 đang từng bước tạo ra những tác động tích cực. Nhưng với tư cách nhà nghiên cứu, tôi cho rằng tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Chúng ta phải nỗ lực trong thời gian dài nữa mới có thể nâng cao sức cạnh tranh toàn bộ nền kinh tế. GS. NGUYỄN QUANG THÁI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nhận định như vậy về tình hình kinh tế hiện nay.

PHÓNG VIÊN: - Nghị quyết 11 đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tỷ giá đang dần ổn định và giá vàng trong nước gần ngang bằng giá thế giới… Vậy, theo ông đã đến lúc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ?

GS. NGUYỄN QUANG THÁI: - Kinh tế thế giới vẫn còn có những biến động phức tạp nên không thể chủ quan. Phải thận trọng trong chính sách tiền tệ, giảm chi tiêu thường xuyên và giảm đầu tư công. Trên thực tế, không thể nói đây là chính sách thắt chặt tiền tệ như nhiều người đang nói, mà là chặt chẽ, thận trọng hơn.

Chẳng hạn tín dụng cho chứng khoán và địa ốc giảm nhưng tổng tín dụng vẫn 20%. Mức độ tăng tín dụng vừa phải như thế để không cho lạm phát tăng quá cao. Theo đó không thắt chặt tiền tệ quá mức vì sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và phải đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đầu tư công phải được thắt chặt nhưng cần theo hướng hiệu quả hơn chứ không phải cắt tổng số để đạt được chỉ tiêu đặt ra. Phải chọn ra những gì cần thiết hay không cần thiết để xem xét rồi mới cắt giảm. Đầu tư công có cả đầu tư của DN nhà nước, đối với các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành cần phải cắt giảm, định hướng đầu tư đúng hướng. Có những phần do Chính phủ chủ trương nhưng có những phần DN phải tự giác cắt giảm.

- Chủ trương của Chính phủ là thắt chặt chi tiêu công nhưng có vẻ như vẫn chưa thực hiện được? 

- Theo tôi, quyết tâm của Chính phủ rất rõ: Chi tiêu công như chi thường xuyên giảm thêm 10% nữa so với Kết luận 02 (ngày 16-3-2011) của Bộ Chính trị đầu năm nay (đã giảm 10%) và chi đầu tư công phải giảm mạnh.

Chính phủ cũng đề ra một số chính sách như không chuyển ngân sách do chi tiêu công chưa tiêu hết của năm 2010 sang năm nay, mà tạm dừng; không ứng trước ngân sách của năm 2012…

Còn việc giảm đầu tư hoặc chuyển đầu tư từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác để tập trung hơn phải có độ trễ nhất định, bởi từ nghị quyết đến hành động cần phải có thời gian.

Thời gian Nghị quyết 11 có hiệu lực đã hơn 4 tháng. Theo tôi, Chính phủ cần kiên quyết kiểm điểm những ai không nghiêm chỉnh chấp hành.

Tại sao Chính phủ lại không cắt luôn nguồn ngân sách đầu tư công cấp cho các địa phương? Vấn đề ở đây là cơ chế của chúng ta có sự phân cấp từ trung ương đến địa phương, Chính phủ không thể quyết định tất cả.

Việc cắt giảm, điều chuyển đã thực hiện được 80.000 tỷ đồng, còn cắt giảm hoàn toàn mới khoảng 5.500 tỷ đồng. Nền kinh tế nước ta đang phát triển nên có những nhu cầu bức xúc vẫn cần phải đáp ứng, như đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội cho y tế, giáo dục, khắc phục thiên tai, bảo vệ môi trường.

 - Tại sao lãi suất đang rất cao nhưng DN vẫn vay?

- Đó là do nhu cầu khác nhau của các  DN. Có DN vay để hoàn thiện những dự án dở dang sắp hoàn thành, vì tính hiệu quả cuối cùng nên phải vay tiếp dù lãi suất cao và họ chấp nhận giảm lợi nhuận. Có dự án hoàn toàn mới nhưng họ thấy cơ hội tốt và cần sớm thực hiện để tiếp cận thị trường nên cũng phải vay.

Nhưng nhìn chung, mọi DN đều tiết giảm đầu tư, tìm những lĩnh vực không hiệu quả để cắt giảm và chuyển sang lĩnh vực khác.

Thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sảnxuất kinh doanh của DN

Thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sảnxuất kinh doanh của DN

- Theo ông, cho vay với lãi suất cao như vậy sẽ gây rủi ro?

- Đã là kinh doanh phải có rủi ro. Ngân hàng cần có hệ thống kiểm soát và thẩm định các dự án. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan trọng, chẳng hạn có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng mức dự trữ bắt buộc và thực hiện kiểm tra chặt chẽ.

Tuy nhiên, các ngân hàng có quy mô nhỏ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Do đó một số chuyên gia kinh tế cho rằng sắp tới sẽ có một số ngân hàng phải sáp nhập để hoạt động hiệu quả hơn.

- Đây là cơ hội sàng lọc không chỉ cho các ngân hàng mà cho cả các DN. Sự sàng lọc sẽ diễn ra quyết liệt?

- Đã là nền kinh tế thị trường phải có sự sàng lọc. Những DN làm ăn hiệu quả hiện chiếm 2/3 tổng số DN đăng ký; số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng hoặc hầu như không hoạt động.

Vậy nên sự sàng lọc đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra khi nền kinh tế hội nhập càng ngày càng sâu rộng kinh tế thế giới.  DN mới sẽ ra đời và DN cũ không thích ứng được với tình hình sẽ phá sản. Đó là quy luật bình thường của kinh tế thị trường.

- Theo ông, mức tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ  bao nhiêu?

- Theo tôi mức 6% là khả thi. Nếu nới lỏng tín dụng, tăng trưởng sẽ có thể cao hơn. Tuy nhiên, do cần hướng đến chất lượng tăng trưởng và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới nên tỷ lệ tăng trưởng đó là hợp lý.

Tuy nhiên, đó là kịch bản bình thường. Trong trường hợp giá dầu thế giới tăng cao trở lại, ở mức 120-150USD/thùng sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế và tăng trưởng chắc chắn sẽ thấp hơn.

Các tin khác