Năm 2012 là năm rất khó khăn của kinh tế TPHCM nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn gấp 1,83 lần so với cả nước.
Nhân dịp đầu Xuân, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã trao đổi về những kết quả đạt được cũng như phương hướng mà Đảng bộ và nhân dân TPHCM tiếp tục thực hiện trong những năm tới.
- Thưa ông, TPHCM là trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước. Xin ông cho biết, thành phố đã đưa ra những giải pháp gì cũng như kế hoạch phát triển kinh tế trong năm qua và những năm tới, để TPHCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước?
Ông LÊ THANH HẢI: Năm 2012 là năm rất khó khăn của kinh tế TPHCM, hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ giải thể, phá sản, sản xuất-kinh doanh đình trệ, sức mua giảm, lượng hàng tồn kho nhiều, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản hết sức trầm lắng.
Trước tình hình đó, thành phố đã chủ động ban hành các kế hoạch, chỉ đạo các cấp, các ngành cùng doanh nghiệp, nhân dân thành phố tập trung nỗ lực, vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Kết quả là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,2% (gấp 1,83 lần so cả nước); giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ tăng 10%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,3%, nông nghiệp tăng 5,1%; tuy đạt thấp so với năm 2011 và chỉ tiêu đề ra, nhưng đó là kết quả tích cực.
Có được kết quả này là sự kế thừa và phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, khắc phục những hạn chế, yếu kém sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh.
TPHCM tập trung phát triển chín nhóm ngành dịch vụ trọng điểm, trong đó tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ thương mại; tài chính, ngân hàng; dịch vụ cảng, kho bãi, hậu cần hàng hải và xuất-nhập khẩu, vận tải đa phương thức, phát huy lợi thế của hệ thống cảng biển; du lịch, bất động sản, công nghệ.
Phát triển TPHCM thành trung tâm dịch vụ thương mại quốc tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm; phát triển thương mại điện tử.
Thành phố tiếp tục tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ và giá trị gia tăng cao là cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; hóa dược, cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm.
Đồng thời, TPHCM cũng đang nỗ lực thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và tư vấn để tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Một nhiệm vụ nữa mà thành phố quyết tâm thực hiện đó là liên kết xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch hiệu quả, ngang tầm khu vực Đông Nam Á.
- Thưa ông, trong những năm tới, thành phố có những chiến lược gì để tạo bước đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng?
- Mặc dù những năm gần đây bộ mặt đô thị thành phố có chuyển biến rõ nét. Nhưng về tổng thể, kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố vốn đã yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập đang cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Thành phố đã và đang xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả giá trị tiềm năng đất đai và thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ. Đặc biệt là rà soát, điều chỉnh lại những quy hoạch thiếu tính khả thi, xóa các dự án “treo” nhằm góp phần đảm bảo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Nhu cầu rất lớn, nhìn vào bản đồ phát triển của thành phố thì dự án nào, công trình nào chúng tôi cũng thấy cần thiết cả. Chính vì vậy, đầu tư vào đâu, xây dựng phát triển như thế nào, bố trí nguồn vốn ở đâu là hợp lý, bảo đảm đúng mục tiêu là chuyện không đơn giản, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách cho đầu tư công gặp khó khăn.
Do vậy, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu. Trong đó phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô từng dự án, đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện.
- Để xây dựng TPHCM thành một trung tâm lớn về giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, xin ông cho biết những biện pháp để thực hiện chiến lược này?
- Trong những năm qua, TPHCM luôn được nhắc đến là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục phát triển khá hoàn thiện từ giáo dục tiểu học đến bậc đại học và sau đại học.
TPHCM vẫn là nơi quy tụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần quan trọng cho đất nước. Đồng thời cũng là nơi phát triển mạnh về khoa học, công nghệ; hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật... song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa ngang tầm của một thành phố lớn, đô thị đặc biệt. Đó là điều mà lãnh đạo thành phố luôn trăn trở làm sao để thực hiện được trong những năm tới.
Về giáo dục thành phố sẽ quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp; đặc biệt là chú trọng việc đề cao đạo đức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ; thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường liên kết quốc tế.
Về văn hóa tập trung xây dựng, phát triển văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc và các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của TPHCM. Chú trọng nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân thành phố nhất là người dân ngoại thành và dân lao động nghèo.
Sắp tới, TPHCM sẽ xây dựng quảng trường rộng 20ha tại Trung tâm Thủ Thiêm (quận 2), công trình này vừa được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Nơi này sẽ là nơi tập trung cao nhất các công trình kiến trúc tiêu biểu, tạo cảnh quan mang tính biểu trưng và là điểm nhấn của khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng đề án quy hoạch và hoàn thành công trình Tượng đài Bác Hồ và phối hợp với bộ, ngành trung ương nghiên cứu đề tài xây dựng Bộ tiêu chí của TPHCM văn minh, hiện đại.
- Để thực hiện được những chiến lược phát triển, vai trò lãnh đạo của Đảng là rất quan trọng. Ông cho biết Đảng bộ TPHCM đã chỉ đạo thực hiện triệt để vấn đề này như thế nào?
- Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; đặc biệt quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhằm đẩy mạnh nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc, thường xuyên việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình để ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đồng thời tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chỉ đạo thực hiện quyết liệt khắc phục những hạn chế, khuyết điểm với những việc cấp bách, cần làm ngay trong năm 2013 mà Ban Thường vụ Thành ủy đã có chương trình, giải pháp.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao đào tạo cán bộ, thực hiện tốt chủ trương xây dựng nguồn cán bộ dài hạn, đảm bảo tính kế thừa, chủ động phát triển cán bộ có triển vọng lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ thực tiễn. Thực hiện chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài, các chuyên gia giỏi phục vụ yêu cầu phát triển thành phố.
Song song đó là công tác bảo vệ Đảng, đặc biệt là công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quản lý cán bộ, đảng viên. Bên cạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân; thành phố đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thành Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị để sớm trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai thực hiện.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.