Phát triển xanh, doanh nghiệp không có đường lùi

(ĐTTCO) - Nhằm đáp ứng các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu, không ít doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập cuộc mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.

Phát triển xanh, doanh nghiệp không có đường lùi

Con đường phải đi

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, nhà sáng lập thương hiệu V-Sixtyfour cho biết, nếu như cách đây 5 năm xanh hóa được nhắc đến như một xu hướng, thì hiện nay xanh hóa đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các DN dệt may. Nếu không xanh hóa sẽ không cạnh tranh được và khó chốt đơn hàng.

Theo ông Việt, giai đoạn trước dịch Covid-19, DN không nhiều áp lực trong việc chuyển đổi xanh, chi phí cũng không phải tính toán quá nhiều. Nhưng hiện tại, khi dệt may đang phát triển theo hướng âm, thiếu hụt đơn hàng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán hàng, xanh hóa không còn là điều kiện cần nữa mà là điều kiện đủ, là yêu cầu bắt buộc để có đơn hàng từ các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, đồng thời khai thác được các ưu đãi của các FTA đã được ký và cạnh tranh với các quốc gia đang xanh hóa mạnh mẽ như Bangladesh hay Ấn Độ.

Tất nhiên trên hành trình DN buộc phải đi ấy không phải không có những thách thức. Ông Việt cho rằng, bài toán lợi nhuận trong giai đoạn chuyển đổi xanh là một thách thức lớn đối với các DN, khi hàng loạt chi phí tăng lên và Việt Thắng cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội, và chuyển đổi xanh sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.

Nói như vậy để thấy rằng, DN nào chủ động triển khai chuyển đổi xanh từ sớm sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, bảo vệ sức cạnh tranh và đặt nền móng bền vững cho tương lai.

d7bf62e1a6ca1f9446db.jpg
Dự án DHN Đắk Lắk của Tập đoàn Hùng Nhơn.

Dưới góc nhìn hiệp hội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, các nhà nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đang thay đổi trong chính sách mua hàng, khi yêu cầu các sản phẩm của nhà sản xuất phải là sản phẩm xanh.

Tuy nhiên, đầu tư cho phát triển xanh, phát triển bền vững là thách thức không nhỏ đối với DN, đặc biệt là DNNVV khi thời gian vay vốn dài có thể lên tới 20 năm. Song dù thách thức, nhưng để thích ứng các DN cũng đang bắt đầu thực thi từng phần. Nhiều DN đang chuyển đổi năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch như than đá sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hay sử dụng nguyên liệu sinh khối cho lò hơi.

Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển điện sinh khối với nguồn gỗ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị, phế thải chăn nuôi và các chất hữu cơ khác. Ngoài ra, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất cũng là lựa chọn của ngày càng nhiều DN.

Không chỉ trong ngành may, các DN trong nhiều lĩnh vực khác như thực phẩm cũng xác định rõ phát triển xanh, bền vững hướng tới Net Zero là con đường DN phải đi. Là một trong những DN hàng đầu trong ngành sản xuất thực phẩm, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đã đặt ra cho mình một mục tiêu đầy tham vọng là hướng tới Net Zero, tức phát thải ròng bằng 0.

VISSAN đánh giá, trong bối cảnh toàn cầu, các tiêu chuẩn về môi trường và phát thải khí nhà kính đang được áp dụng ngày càng nghiêm ngặt.

Nói về việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hay các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới, thực chất không phải vài năm gần đây mới có, mà với một số DN những yêu cầu khắt khe đã xuất hiện từ cách đây hơn chục năm. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, từ 14 năm trước, Phúc Sinh đã chạm ngõ khái niệm phát triển bền vững, vốn được rất ít người hoạt động trong lĩnh vực nông sản biết đến lúc bấy giờ.

Theo đó, năm 2009, một đối tác Hà Lan yêu cầu sản phẩm tiêu tiệt trùng của Phúc Sinh phải có chứng nhận Rainforest Alliance (RA), tức Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững. Khi ấy đối tác khẳng định đó là điều kiện bắt buộc, nên Phúc Sinh không còn sự lựa chọn nào khác. Và đây cũng là nền tảng để sau hơn một thập niên Phúc Sinh chính thức bước chân vào con đường ESG.

Vissan_HUG02954.JPG
Dây chuyền sản xuất xúc xích tại Vissan.

“Làm rồi mới thấy, khi nói đến phát triển bền vững, những DN có vốn đầu tư nước ngoài dường như đã đi trước các DN nội địa rất xa. Điều hạn chế DN Việt là dư địa tài chính hạn hẹp và khác biệt về ưu tiên. Trong khi các tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn mạnh để tài trợ và đặt ưu tiên cao cho những hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, sau này là ESG, thì DN Việt với tuổi đời non trẻ trên dưới 20-30 năm chật vật với bài toán sống còn” - ông Thông chia sẻ.

Nhập cuộc hành động

Với mục tiêu hướng đến Net Zero, VISSAN đã xác định lộ trình cụ thể, đồng thời triển khai một loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Một trong những bước đi quan trọng VISSAN đã thực hiện là đo lường và đánh giá lượng phát thải khí nhà kính của mình.

Quá trình này được thực hiện thông qua các công cụ khoa học và công nghệ tiên tiến, cho phép DN nắm bắt chính xác lượng phát thải từ các hoạt động sản xuất. Bên cạnh việc đo lường và phân tích phát thải, VISSAN đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Sự chuyển đổi này không chỉ dừng lại ở việc cải thiện quy trình sản xuất, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như quản lý chất thải và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường, nhưng VISSAN vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong hành trình hướng tới Net Zero. Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ mới và hệ thống quản lý môi trường. Đây là một khoản đầu tư không nhỏ, đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo và các nhà đầu tư”- đại diện VISSAN cho hay.

Nhận thức rõ cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trở thành nhiệm vụ tiên quyết cho mọi DN, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau, một trong những DN hàng đầu của ngành phân bón Việt Nam, đang bước đi trên hành trình này với cam kết mạnh mẽ, hành động thiết thực.

Theo đó, sau khi công bố định hướng phát triển bền vững, Phân bón Cà Mau đã nhanh chóng công bố báo cáo phát triển bền vững 2023, khẳng định rõ cam kết đồng hành cùng quốc gia hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Trên hành trình này, công ty đã triển khai hàng loạt kế hoạch và giải pháp trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, với các bước đi cụ thể và rõ ràng.

Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải 7%, tương ứng với 60.000 tấn CO2 mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này, công ty đang áp dụng các công nghệ sản xuất phân bón tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng và nghiên cứu chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Trong lộ trình chuyển đổi năng lượng, Phân bón Cà Mau đã nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. Một trong những dự án trọng điểm là hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy Đạm Cà Mau. Với diện tích mái lên đến 74.000 m², dự án có tiềm năng lắp đặt công suất từ 10-15 MW, giúp thay thế một phần năng lượng hóa thạch và giảm 5.800 tấn carbon mỗi năm.

“Nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của quản trị bền vững, Phân bón Cà Mau đã chủ động thành lập Ủy ban ESG với mục tiêu đánh giá và thúc đẩy các hoạt động của công ty theo chuẩn mực quốc tế. Ủy ban này chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện cam kết giảm phát thải, chuyển đổi sang năng lượng xanh và đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm trong quản trị bền vững DN” - đại diện công ty chia sẻ.

Có thể thấy chưa khi nào xanh hóa, phát triển bền vững lại trở thành ưu tiên mạnh mẽ của các DN như hiện nay. Đại diện cho tiếng nói của ngành dược, CTCP Dược phẩm Imexpharm cho biết, các công ty dược phẩm, điển hình như Imexpharm, đã và đang ưu tiên việc xanh hóa toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe con người, vừa ứng phó với những thay đổi về điều kiện môi trường và các mối đe dọa bệnh tật mới đang xuất hiện.

Việc xây dựng và vận hành các cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP của Imexpharm, là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của công ty trong việc áp dụng các quy chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Cụ thể, trong năm 2022, tổng lượng phát thải CO2 từ việc sử dụng điện trong hoạt động sản xuất của Imexpharm đã giảm 5% so với năm trước.

Hơn nữa, công ty cũng đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải ban đầu theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, với nước thải được xử lý qua hệ thống đạt tiêu chuẩn quản lý ISO 14001:2015 trước khi được thải ra môi trường.

Nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đã áp dụng các quy định mới nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đối với khí hậu. Các DN xuất khẩu nếu không tuân thủ những tiêu chuẩn này, có thể đối mặt với các rào cản kỹ thuật, thuế quan, hoặc thậm chí là bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dưới góc nhìn của một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn khẳng định, mô hình sản xuất xanh sẽ mang tới sự ổn định trong chăn nuôi và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi ích cho mỗi đơn vị tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp; cho phép người tiêu dùng đến gần hơn với nguồn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt.

Cũng theo ông Hùng, trong xu thế xanh hiện nay, các tập đoàn trên thế giới đang hướng tới mô hình gọi là “tổ chức màu xanh ngọc”, tức vừa kinh doanh xuất sắc, vừa hướng tới sự phát triển xanh, bền vững.

Tại các dự án của Hùng Nhơn đều ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn, ISO, Global GAP và các tiêu chuẩn chuyên ngành quốc tế. Đặc biệt, các dự án của Hùng Nhơn đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống.

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn phấn khởi cho biết, với tầm quan trọng này, mô hình kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp đang nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, các bộ ngành, và ngay cả các tổ chức tín dụng cũng có nhiều chính sách đồng hành cùng DN. Thực tế cho thấy trong quá trình đầu tư cho các dự án xanh, Hùng Nhơn không quá khó khăn để tiếp cận vốn.

Không ai đứng ngoài cuộc chơi

Nhắc đến xanh hóa, phát triển bền vững hay thực hành ESG, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới các DN trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu… Thế nhưng thực tế không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi này.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước đang chuyển mình mạnh mẽ, xác định định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, các DN cũng ngày càng chú trọng tới vai trò của ESG và chiến lược phát triển xanh. Các DN dịch vụ tài chính với đặc thù nghề nghiệp lại có những góc nhìn và cách thực thi đặc biệt hơn cả.

Các DN dịch vụ tài chính cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi xanh hóa, nhưng với đặc thù nghề nghiệp họ lại có những góc nhìn và cách thực thi đặc biệt hơn cả. Với ngành dịch vụ du lịch, du khách không chỉ đòi hỏi dịch vụ chuyên nghiệp, mà còn đặt ra yêu cầu sản phẩm tour phải có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại địa phương.

Bà Thúy Ngọc cho biết thêm, theo xu hướng phát triển chung của thế giới, các chủ đề kinh tế nổi cộm và các yêu cầu mới trong hoạt động kinh doanh đang xoay quanh các vấn đề về môi trường: lượng khí thải nhà kính, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tái chế.

Về xã hội, chính sách liên quan đến người lao động, thay đổi nhân công, mức độ đa dạng, trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương. Về quản trị, nguyên tắc và mô hình quản trị phát triển bền vững, vai trò và trách nhiệm của cấp điều hành, rủi ro và kiểm toán nội bộ gắn với phát triển bền vững.

“Mỗi DN, tổ chức đang hoạt động trong một ngành nghề riêng, có chiến lược phát triển đặc thù cũng như có các đặc điểm, tính chất cơ bản khác biệt. Dù vậy, chiến lược ESG, chiến lược phát triển bền vững của bất kỳ tổ chức nào cũng cần được khởi xướng và thúc đẩy bởi ban lãnh đạo. Không chỉ là những cá nhân quyết định định hướng, chính sách của tổ chức trong ngắn - trung - dài hạn, ban lãnh đạo còn là những người kiểm soát, định hướng cho toàn bộ tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển con người bền vững nói riêng và kế hoạch phát triển bền vững của DN nói chung” - bà Ngọc chia sẻ.

Tương tự, một lĩnh vực khác là du lịch cũng đang được các DN chú trọng yếu tố xanh rất nhiều. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, từ thập niên 70, khi công ty bắt đầu khai thác, phục vụ những đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam, thông điệp “không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” đã bén rễ trong mỗi chương trình tour của Lữ hành Saigontourist.

Thông điệp này cũng chính là nền tảng cốt lõi trong triết lý kinh doanh của công ty. Đó chính là cam kết nỗ lực mang lại những giá trị dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đối tác, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích DN và cộng đồng xã hội.

Đầu tư ESG không chỉ là cơ hội để thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh của DN trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để thuyết phục khách hàng. Những khoản đầu tư này không chỉ giúp xã hội phát triển bền vững mà còn thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và kinh doanh.

Từ những năm 2000, Lữ hành Saigontourist tiếp tục có sự đầu tư sản phẩm du lịch xanh ở tất cả các mảng kinh doanh (du lịch quốc tế, du lịch trong nước, du lịch nước ngoài). Đây là chiến lược và định hướng phát triển phù hợp với thị hiếu và xu thế trên toàn cầu. Bởi du lịch xanh là yêu cầu thiết yếu từ chính du khách trong nước và quốc tế khi nhận thức về chất lượng dịch vụ đối với sản phẩm du lịch ngày càng nâng cao.

Du khách không chỉ đòi hỏi dịch vụ chuyên nghiệp, còn đặt ra yêu cầu sản phẩm tour phải có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại địa phương. Điều này thể hiện rõ trong từng dịch vụ, điểm tham quan, hoạt động trải nghiệm mà du khách tham gia.

Với nhận thức cao của từng du khách, mức phủ rộng và nhanh chóng của các kênh thông tin như mạng xã hội, trang đánh giá điểm đến… sự thấu hiểu và hợp tác của mỗi du khách trong và ngoài nước đang giúp chiến lược du lịch xanh được phát triển theo hướng bền vững theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu.

Các tin khác