Theo Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013-2015 vừa đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến 2015, nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Bên cạnh đó, vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) dưới 4,5% GDP. Trong đó, năm 2013 là 4,8% GDP; năm 2014 khoảng 4,7% GDP.
Đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối Nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia hằng năm trên 200%.
Không được sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự án trung và dài hạn
Một trong các giải pháp của Chương trình là tổ chức huy động vốn vay bổ sung cho cân đối ngân sách Nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, trong đó cần cân đối nhu cầu và triển khai hiệu quả kế hoạch huy động và sử dụng vốn vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2013-2015, ưu tiên lựa chọn các khoản vay dài hạn, với chi phí vay thấp và có mức rủi ro hợp lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục khống chế hạn mức huy động vốn vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm và nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không được sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Tăng cường công tác quản lý rủi ro và thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công. Cụ thể, nghiên cứu phương án xử lý rủi ro tỷ giá, hoán đổi lãi suất thả nổi một số khoản nợ trong danh mục nợ công hiện hành; tổ chức tiến hành việc phân loại nợ bị rủi ro tín dụng và ban hành tiêu chí đánh giá, xếp hạng về khả năng trả nợ của người vay lại, người được bảo lãnh;...
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại
Giải pháp khác của Chương trình là kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh Chính phủ.
Bên cạnh đó, chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại cần tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nhà đầu tư; giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại.
Bên cạnh đó, mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm đối xử công bằng giữa các địa phương.
Việc sử dụng nguồn vốn cho vay lại phải có chọn lọc, tránh dàn trải, tập trung cho các công trình, chương trình, dự án ưu tiên cao; tiếp tục chú trọng vào tiêu chí hiệu quả khi lựa chọn từng dự án cụ thể.
Tăng cường áp dụng phương thức cho vay lại thông qua hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại có đủ năng lực đối với các trường hợp nhà tài trợ cho vay không theo phương thức tài trợ dự án, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan cho vay lại cũng như của người vay lại.