Mục tiêu tham vọng
Mọi việc bắt đầu khi vị Tướng Mexico bị thất sủng Antonio López de Santa Anna cố gắng tìm cách làm giàu sau khi gặp nhiều biến cố trong cuộc đời. Ông đã nhắm đến một loại nhựa gọi là chicle, loại mủ tự nhiên được thu hoạch từ cây hồng xiêm Mexico như cao su.
Ông đã thuyết phục Thomas Adams, một nhà phát minh địa phương ở Đảo Staten, về việc phát triển chất lạ này thành chất thay thế rẻ tiền cho loại cao su đắt tiền được sử dụng trong lốp xe ô tô. Nếu nó hiệu quả, họ sẽ trở nên giàu có.
Tại sao Santa Anna tin rằng chicle có thể thay thế cao su? Bởi trước khi có người tìm ra cách lưu hóa cao su, nó cũng chỉ là một thứ nhựa nhầy nhụa không hơn gì chicle, nóng chảy vào mùa hè trong khi bị nứt toác vào mùa đông, và chỉ cần những loại a xít nhẹ như nước táo cũng có thể bị tan chảy, biến dạng.
Thế nhưng, nhờ tìm ra cách lưu hóa cao su, nó đã trở nên một vật liệu hoàn hảo, vừa đàn hồi vừa cứng rắn, có thể chịu được giá lạnh và nhiệt độ cao, không thấm nước và đã được ứng dụng vào hàng loạt ngành công nghiệp như giày, ủng, lốp xe, bóng, găng tay…
Một mẩu quảng cáo kẹo chewing gum của Adams trên báo.
Với tham vọng biến nhựa chicle thành loại vật liệu tương tự cao su nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều, vào cuối những năm 1850, Adams và con trai là Thomas Jr đã thực hiện nhiều nỗ lực để lưu hóa chicle. Nhưng tất cả không mang lại kết quả và nhà tài trợ Santa Anna cũng dần bỏ cuộc. Santa Anna đã trở về Mexico không một xu dính túi, sa sút về thể chất và tinh thần, cuối cùng qua đời mà không kịp chứng kiến sự thành công của nhựa chicle, nhưng theo cách hoàn toàn khác so với ông hình dung.
Sự tình cờ đáng giá
Thomas Adams đã đầu tư 30.000USD vào dự án biến chicle thành cao su. Ông đã cố gắng làm đồ chơi, mặt nạ, ủng đi mưa và lốp xe đạp từ nhựa chicle, nhưng mọi thử nghiệm đều thất bại. Sau nhiều năm nghiên cứu pha trộn chicle với đủ thứ chất để nó giống cao su, các thí nghiệm của Adams đều không mang lại kết quả như ý.
Một ngày nọ vào năm 1869, sau hàng loạt thử nghiệm thất bại, ông bực bội cho một miếng nhựa vào miệng nhai. Ông chợt cảm thấy thích thú, vì nó cũng ngon và dai. Ngay lập tức, ông nảy ra ý định thêm hương liệu vào nhựa chicle để cho nó ngon hơn.
Và thay vì theo đuổi mục tiêu biến chicle thành cao su, Adams chuyển hướng biến nó thành một loại kẹo. Ông và các con trai đun sôi chicle với một ít rượu vang để làm ra mẻ kẹo đầu tiên. Nó được làm thành những que nhỏ và được gói trong các loại giấy lụa màu khác nhau.
Lần đầu tiên được đưa ra bán vào năm 1869, chúng bán nhanh đến mức Adams và các con trai của ông đã hết sạch nhựa chicle còn lại. Cùng nhau, gia đình thành lập Adams Sons and Company vào tháng 2-1871 và bán “Adams New York Gum - Snapping and Stretching” với giá 1 xu. Họ nhanh chóng thêm hương vị vào kẹo cao su của mình và công ty đã thành công.
Vào cuối những năm 1800, Adams Sons and Co. đã trở thành tập đoàn có tên American Chicle Company, sử dụng hơn 300 công nhân tại nhà máy kẹo cao su lớn nhất thế giới, gần Cầu Brooklyn. Nhai kẹo cao su trở nên phổ biến đến nỗi, trong một bài báo phản đối, Nikola Tesla tuyên bố nhai kẹo cao su quá mức còn nguy hiểm hơn cả lạm dụng rượu.
Adams tiếp tục đổi mới. Dưới sự chỉ đạo của ông, các hiệu thuốc đã nhận được kẹo cao su và các sân ga tàu điện ngầm ở New York đã chứng kiến việc lắp đặt máy bán hàng tự động đầu tiên của Mỹ, nơi bán kẹo cao su hương vị Tutti Frutti phổ biến của Adams. Chicle đã trở thành cơ sở sản xuất kẹo cao su trên toàn thế giới, khai sinh ra ngành công nghiệp trị giá 19 tỷ USD mà chúng ta biết ngày nay.
Cuối cùng, như Adams và Santa Anna từng tìm cách thay thế cao su bằng chicle, cũng có người muốn tìm cách thay thế chicle để làm kẹo cao su bằng một loại chất khác. Vào năm 1909, một nhà hóa học ở Staten Island đã phát triển thành công loại polyme tổng hợp có tính chất tương tự cao su, trở thành chất liệu được các nhà sản xuất kẹo cao su lựa chọn về sau, vì nó rẻ hơn nhựa chicle chiết xuất từ cây hồng xiêm Mexico.